Tỷ lệ trường THPT tại Thanh Hoá đạt chuẩn quốc gia còn hạn chế

Đến hết năm học 2022 – 2023, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh Thanh Hoá đạt hơn 85%. Mặc dù tỷ lệ này đã vượt mục tiêu Thanh Hoá đề ra đến năm 2025, tuy nhiên cơ cấu giữa các cấp học đạt chuẩn quốc gia đang bị chênh lệch lớn. Trong khi các trường mầm non, tiểu học và THCS đều đạt tỷ lệ chuẩn quốc gia trên 84% thì cấp THPT mới chỉ đạt 51%. Điều này cho thấy việc xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế, cần tập trung tháo gỡ để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tháng trước, trường THPT Hậu Lộc 1, huyện Hậu Lộc vừa được thẩm định, công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Tuy nhiên đến thời điểm này, một số tiêu chí của nhà trường vẫn đang phải xin "nợ" lại để hoàn thành sau, trong đó chủ yếu là các tiêu chí liên quan đến cơ sở vật chất phục vụ môn giáo dục thể chất.

Liên tiếp 2 năm học 2021 – 2022 và 2022 – 2023 xếp thứ 5 và thứ 11 trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, trường THPT Thọ Xuân 5 thuộc top những trường có chất lượng giáo dục đứng đầu huyện Thọ Xuân. Theo lộ trình đến năm 2024, nhà trường sẽ phải hoàn thành xây dựng chuẩn quốc gia mức độ 1. Tuy nhiên cho đến nay, nhà trường mới chỉ đủ số phòng học cần thiết, các phòng chức năng chưa có, nhà hiệu bộ đang tận dụng lại.

Tỷ lệ trường THPT tại Thanh Hoá đạt chuẩn quốc gia còn hạn chế - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Hiệu trưởng trường THPT Thọ Xuân 5, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Về các điều kiện để trường đạt chuẩn quốc gia, trường THPT Thọ Xuân 5 tự tin đảm bảo điều kiện. Tuy nhiên về cơ sở vật chất, đến thời điểm này, trường thiếu rất nhiều. Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, trường sẽ được chuyển địa điểm của trường nên những hạng mục lớn những năm qua chưa được đầu tư".

Tỷ lệ trường THPT tại Thanh Hoá đạt chuẩn quốc gia còn hạn chế - Ảnh 4.

Trong các tiêu chí để công nhận chuẩn quốc gia, các nhà trường đều có chung nhận định: cơ sở vật chất là tiêu chí gây khó khăn nhất. Đặc biệt, cấp THPT thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng việc đầu tư cơ sở vật chất lại chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách của huyện, thị xã, thành phố. Điều này cũng phần nào là lý do khiến cho việc đầu tư ở cấp học này có nhiều hạn chế. Đến nay, Thanh Hoá mới chỉ có 51 trong tổng số 100 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ thấp so với các cấp học khác.

Trước mắt, không bị động, chờ đợi, các trường THPT tại Thanh Hoá đã tranh thủ kêu gọi các nguồn xã hội hoá như cựu học sinh, cựu giáo viên, con em xa quê… Đây là nguồn lực để các trường THPT đầu tư cơ sở vật chất phấn đấu xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, để nâng tỷ lệ trường chuẩn quốc gia của cấp THPT thì cần phải có sự quan tâm, đầu tư đồng bộ từ nguồn lực của cả chính quyền địa phương. Bởi, nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cũng chính là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV