UBND tỉnh Thanh Hóa: Ngày làm việc thứ 2, phiên họp thường kỳ tháng 3/2020

22:06 - 24/03/2020

(TTV) – Ngày 24/3, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh, phiên họp thường kỳ tháng 3/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa, bước sang ngày làm việc thứ 2, cho ý kiến vào dự thảo Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040; dự thảo Quy hoạch vùng huyện Hoằng Hóa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070; dự thảo Quy hoạch vùng huyện Nga Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Phương án phân bổ chi tiết Kế hoạch vốn chương mình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới năm 2020, phân bổ Ngân sách TW hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Dự phiên họp có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh.

 

Dự thảo Quy hoạch chung đô thị thành phố Thanh Hóa đến năm 2040 do Viện Quy hoạch- kiến trúc Thanh Hóa thực hiện trên cơ sở Nhiệm vụ quy hoạch chung Đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính Thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn,  hướng tới phát triển Đô thị Thanh Hóa là một “cực tăng trưởng mới trong tứ giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh – Thanh Hóa”, là trung tâm kết nối vùng kinh tế Bắc Trung Bộ với các vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc nước Lào; đồng thời là nơi thu hút, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực ổn định, chất lượng cao cho cả nước và quốc tế; Quy hoạch mở rộng đô thị để thu hút đầu tư, phát triển đa dạng các ngành công nghiệp và dịch vụ thương mại, du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái với tầm nhìn là một đô thị văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc; phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy truyền thống và lịch sử văn hóa Đông Sơn, đồng bằng sông Mã.

Phạm vi trực tiếp lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, diện tích khu vực lập quy hoạch hơn 228 km2. Quy hoạch Đô thị Thanh Hóa được xem xét trên cơ sở vùng rộng hơn là Vùng trung tâm tỉnh Thanh Hóa gồm liên đô thị thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn và các huyện phụ cận gồm Hoằng Hóa, Quảng Xương, Đông Sơn có quan hệ hữu cơ mật thiết thành một vùng phát triển tổng hợp theo hướng đô thị hóa. Dự kiến đến năm 2040, dân số vùng đạt khoảng 1,5 triệu người. Tính chất là một vùng đô thị tổng hợp với các động lực phát triển chủ yếu là dịch vụ. Phát triển vùng với 3 không gian cơ bản; các trục giao thông cơ bản gồm 4 trục dọc, 5 trục ngang. Hình thành các trục đô thị hóa kết nối các trung tâm thành phố Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn với đô thị các huyện Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa. Hình thành vòng cung công nghiệp gồm Khu công nghiệp Bắc Hoằng Hóa; Khu công nghiệp phía Tây thành phố; Khu công nghiệp Quảng Xương; các vòng cung đô thị du lịch sinh thái, dịch vụ vui chơi giải trí gồm vòng cung Bắc sông Mã – Hải Tiến – Linh Trường và vòng cung Hàm Rồng Núi Đọ - Nam sông Mã – Sầm Sơn – Ven biển Quảng Xương; Hình thành các vùng nông nghiệp sạch, công nghệ cao và các vùng trang trại tại các khu vực thuận lợi sản xuất, đảm bảo nhu cầu thực phẩm, hoa, cây cảnh cho khu vực đô thị.

Điều chỉnh mô hình phát triển dạng“vành đai xuyên tâm” của Thành phố Thanh Hóa thành mô hình “vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm” dựa trên cơ sở địa hình, cảnh quan tự nhiên. Tiếp tục lấy trục Đại lộ Lê Lợi làm không gian trung tâm của đô thị, hạn chế phát triển thêm các trục xuyên tâm. Lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, phân chia đô thị thành 6 phân vùng:  Phân vùng trung tâm hiện hữu mở rộng; Phân vùng Hàm Rồng - Núi Đọ; Phân vùng Đông Bắc; Phân vùng Đông Nam; Phân vùng phía Tây; Phân vùng Tây Nam.

Các đại biểu dự phiên họp đã trao đổi, đề nghị đơn vị lập quy hoạch xác định rõ thêm tính chất đô thị khi hướng phát triển về phía Tây, khu vực huyện Đông Sơn của thành phố Thanh Hóa; Cần phải làm rõ các lớp giao thông gắn với đường bộ cao tốc như thế nào; hệ thống bãi đỗ xe, phương án cải tạo, mở rộng các nút giao thông nội thị để giải quyết vấn đề ách tắc, làm rõ vấn đề cấp thoát nước đô thị; Trên cơ sở định hướng phát triển đô thị thành phố Thanh Hóa phải xác định được các động lực phát triển của thành phố về công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Thành phố Thanh Hóa được xác định là đô thị trung tâm của tỉnh, do vậy quy hoạch này cần tích hợp được các quy hoạch nội bộ khác, kết nối với các quy hoạch phát triển vùng.

Kết luận về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng cho rằng, Quy hoạch chung đô thị thành phố Thanh Hóa đến năm 2040 là một nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều đơn vị, nhiều lĩnh vực, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên cần nghiên cứu kỹ đảm bảo định hướng lâu dài. Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cáo chất lượng dự thảo Quy hoạch trên nhiều mặt. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đơn vị nghiên cứu quy hoạch tiếp thu,  bám vào tính chất chức năng là đô thị trung tâm của thành phố Thanh Hóa để nghiên cứu tổng thể hơn về tính kết nối giữa thành phố Thanh Hóa với Nghi Sơn, Sầm Sơn, Lam Sơn Sao Vàng

Dự thảo quy hoạch phải bám vào định hướng và đề xuất ý tưởng rõ ràng về quy hoạch phát triển thành phố Thanh Hóa trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, và phải xác định lợi thế là tận dụng các lợi thế về tự nhiên để phát triển đô thị sinh thái, hạn chế những tác động tiêu cực về môi trường.

Làm rõ chức năng khu vực huyện Đông Sơn khi nhập về TP Thanh Hóa, các khu chức năng như  khu đô thị công nghiệp, khu đô thị dịch vụ; khu đô thị du lịch sinh thái hai bên bờ sông Mã; khu đô thị nông nghiệp; khu y tế; khu giáo dục, thể thao, dạy nghề để làm rõ các động lực phát triển của thành phố.

Về quy hoạch giao thông, đây là giải pháp số 1 hiện thực hóa phát triển nên tư vấn cần phải tính toán kỹ quy mô các tuyến giao thông chính, có phương án cải tạo, xử lý các điểm cách tắc giao thông; Phương án kết nối đường vành đai phía Tây với đường cao tốc.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tư vấn cần nghiên cứu kỹ  phương án cấp thoát nước, bố trí diện tích hồ nước lớn hơn, phương án cải tạo hệ thống các con sông vừa làm chức năng điều hòa vừa để thoát nước mưa, phòng chống lũ; Nghiên cứu thêm vị trí mới về nghĩa trang; Đánh giá lại hệ thống công viên để bố trí hệ thống công viên cây xanh đảm bảo yêu cầu của đô thị loại 1. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn tiếp tục tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo quy hoạch, cùng với đóng góp của các ngành để tư vấn hoàn thiện, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào tháng 4/2020.

Tiếp đó, phiên họp cũng đã nghe và cho ý kiến vào dự thảo Quy hoạch vùng huyện Hoằng Hóa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070; dự thảo Quy hoạch vùng huyện Nga Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Về hai dự thảo quy hoạch này, trên cơ sở ý kiến của các ngành tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tư vấn tiếp thu, hoàn chỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.

Phiên họp đã thống nhất thông qua Tờ trình về việc thành lập các phường của thành phố Thanh Hóa. Theo đó, dự thảo đề xuất thành lập 10 phường, nâng tổng số phường của thành phố Thanh Hóa lên 30 phường và 4 xã; thống nhất Phương án phân bổ chi tiết Kế hoạch vốn chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới năm 2020 với tổng nguồn vốn đề nghị phân bổ là trên 1.600 tỷ đồng. Trong đó vốn Ngân sách TW trên 1.500 tỷ đồng, vốn sự nghiệp kinh tế ngân sách tỉnh 106 tỷ đồng; thống nhất Chi tiết kế hoạch vốn Ngân sách TW của Tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020 (đợt 2). Số vốn đề nghị phân bổ gần 11 tỷ đồng, bố trí cho 17 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Theo thời sự tối/TTV