Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp

20:39 - 03/03/2024

Nhằm tái sử dụng hiệu quả các loại phế phẩm nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích người dân sử dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp. Từ đó, góp phần cải tạo đất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp.

Gia đình ông Lê Kỳ Khoa, ở thôn Kỳ Vỹ, xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương có 1,5 ha diện tích trồng đào kép. Qua tìm hiểu các kỹ thuật sản xuất để nâng cao chất lượng cây trồng, ông đã ủ chế phẩm sinh học với phế phẩm nông nghiệp để tạo ra phân hữu cơ hỗ trợ cho quá trình sinh trưởng của cây trồng. Nhờ đó, giúp cải thiện môi trường đất, bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng, giảm sâu bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với hơn 600 cây đào, mỗi dịp tết đến xuân về bán được hơn một nửa số cây trong vườn và thu về lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp- Ảnh 1.

Ông Lê Kỳ Khoa, Thôn Kỳ Vỹ, xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trước đây nhà tôi làm phân hữu cơ, giờ áp dụng phân sinh học, giảm 50% sâu bệnh, Nhờ đó cây trồng phát triển mạnh hơn, ít sâu bệnh hơn, đem lại hiêu quả kinh tế cho gia đình tốt hơn".

Cùng với trồng trọt, trong chăn nuôi, chế phẩm sinh học được coi là biện pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Người chăn nuôi đã ứng dụng công nghệ đệm lót lên men để tạo ra vi sinh vật có ích giúp phân hủy chất thải trong chăn nuôi. Biện pháp này không chỉ giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí thuê nhân công mà còn có thể tiết kiệm tới 70% lượng trấu sử dụng so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. Hiện nay trên địa bàn huyện Quảng Xương có 40 trang trại chăn nuôi, hầu hết các chủ trang trại chăn nuôi đã chủ động hơn trong việc đầu tư trang thiết bị và công nghệ chuồng trại đáp ứng yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Hiệu quả của phương pháp này là việc phân giải chất thải làm cho mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi.

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp- Ảnh 2.

Ông Vũ Văn Thịnh, Thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Tôi đã nuôi gà 6 năm nay, tỗi cũng đã tìm hiểu, bỏ men vi sinh đỡ nhiều công lao động, đỡ mùi, nhờ đó đàn gà cũng nhanh lớn, đem lại hiệu quả rất cao".

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp- Ảnh 3.

Ông Mai Đình Thịnh, Phó chủ tịch Hội làm vườn và Trang Trại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Ông Mai Đình Thịnh, Phó chủ tịch Hội làm vườn và Trang Trại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Tôi phổ biến cho các hộ, vừa đảm bảo vệ sinh cho khu dân cư, và đảm bảo an toàn cho đàn gia súc gia cầm, tiết kiệm công lao động cho người sản xuất, người tiêu dùng an tâm với thực phẩm hơn".

Huyện Thọ Xuân hiên có 31 trang trại chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao và chăn nuôi gà ứng dụng đệm lót sinh học, trong đó có gần 20 trang trại thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Để hướng tới chăn nuôi an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các địa phương trong huyện đã khuyến khích, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật quy trình chăn nuôi VietGap, sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót chăn nuôi. Nhờ đó, các hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, áp dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần kiểm soát dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp- Ảnh 4.

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp- Ảnh 5.

Ông Võ Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Ông Võ Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Việc chăn nuôi của địa phương chúng tôi đang từng bước đưa khoa học vào chăn nuôi, sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ khoa học công nghệ vào, giảm bớt lao động cho doanh nghiệp cũng như cho các nhà đầu tư chăn nuôi trên địa bàn.Và chúng tôi tuyên truyền, vận động các hộ có điều kiện tiếp tục đầu tư chăn nuôi hệ thống công nghệ để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo phòng dịch và giảm lao động đối với người đầu tư".

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 1.080 trang trại, trong đó 582 trang trại nuôi lợn, 83 trang trại chăn nuôi trâu, bò, 415 trang trại chăn nuôi gia cầm. Nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghệ cao, an toàn, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân chủ trương, định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh, ưu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng chế phẩm sinh học phục vụ cho chăn nuôi, giúp giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho các trang trại.

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp- Ảnh 6.

Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nông nghiệp- Ảnh 7.

Ông Trịnh Cao Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Ông Trịnh Cao Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi thì yêu cầu công nghệ rất quan trọng. Huyện Hậu Lộc tập trung chỉ đạo các trang trại, chăn nuôi thì phải ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như công nghệ cho thức ăn tự động, xử lý chất thải tự động,... Trong thời gian qua, các hệ thống chăn nuôi của huyện  có 111 trang trại đạt tiêu chí của Trung ương, như thu nhập bình quân của trang trại gà là 900 triệu đồng/năm, trang trại lợn là 1 tỷ đồng/năm, các biệt như trang trại nuôi lợn ngoại của xã Phú Lộc thì thu nhập bình quân là 2,5 tỷ đồng/năm, trang trại gà của Minh Lộc thì trên 1,5 tỷ đồng/năm".

Đối với ngành chăn nuôi áp dụng khoa học công nghệ là rất quan trọng, huyện đã áp dụng và trong đó huyện có 111 trang trại, hiệu quả đạt từ 500 triệu trở lên. Huyện sẽ tập trung quy hoạch trang trại tập trung, khuyến khích các hộ không chăn nuôi nhỏ, huyện đầu tư các hạ tầng để đảm bảo an toàn chăn nuôi...

Các chế phẩm sinh học được sản xuất phục vụ trong nông nghiệp được người dân sử dụng, như: phân bón sinh học, đệm lót sinh học, men ủ vi sinh phục vụ cho chăn nuôi, các chế phẩm bổ sung vi sinh vật có lợi cho nguồn nước, thức ăn vi sinh dùng cho nuôi trồng thủy sản, chế phẩm vi sinh, thảo mộc giúp xử lý chất thải môi trường. Hiện nay, các loại chế phẩm sinh học đã được người dân trên địa bàn tỉnh ứng dụng rộng rãi. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học đã góp phần không nhỏ vào việc giảm ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng tốt. Đây là hướng phát triển nông nghiệp bền vững nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và dựa vào tự nhiên để phát triển.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ ngày 01/03/2024