Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp

15:51 - 20/04/2024

Hiện nay nhiều hộ gia đình và Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã đầu tư ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng các thiết bị thông minh đã từng bước tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, thân thiện với môi trường, tăng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác.

Hiện nay, xu hướng người tiêu dùng sử dụng các thực phẩm nông sản rau quả an toàn ngày càng cao. Vì vậy, để phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi liên kết là hướng đi tất yếu mà các hộ nông dân và HTX hướng tới để cung ứng các sản phẩm cho thị trường.

Tại huyện Hoằng Hóa, HTX nông nghiệp công nghệ cao Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thắng là một trong những HTX đi đầu trong lĩnh vực liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hợp tác xã đã đầu tư nhà màng 1ha tại xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa và thuê lại 2ha nhà màng tại các huyện: Nông cống, Yên Định, Hậu Lộc để liên kết đầu tư sản xuất luân canh các loại rau, củ, quả quanh năm như: dưa vàng Kim Hoàng hậu, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa leo baby, cà chua, khoai tây, dâu tây, ớt ngọt…. Tất cả các sản phẩm của HTX được canh tác theo tiêu chuẩn Vietgap. Các loại cây giống đưa vào thâm canh được nhập khẩu từ các nước: Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan. Vì vậy, các sản phẩm rau, củ, qủa của HTX luôn đảm bảo về hình hính thức và chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh yêu thích, tin tưởng sử dụng. Nhờ quy trình ứng dụng công nghệ cao trong canh tác, doanh thu của HTX hàng năm đạt khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 10 lao động.

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp- Ảnh 1.

Bà Lê Thị Nhung, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tôi sẽ đầu tư hơn về chế biến sâu cho nông sản, đặc biệt là dòng sản phẩm khoai tây, để ổn định đời sống cho con em HTX cũng như chuỗi liên kết của mình".

Để các sản phẩm tiêu thụ bền vững tại các chuỗi cửa hàng nông sản, thực phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh, HTX Hồng Nhuệ đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các trang trại trên địa bàn tỉnh. Đối với các đơn vị liên kết sản xuất phải cam kết tuân thủ các quy trình canh tác thực hành nông nghiệp tốt Vietgap, cung cấp đầy đủ thông tin quá trình canh tác, thời gian thu hoạch. Sản phẩm sau thu hoạch được vận chuyển vào phòng sơ chế làm sạch và đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc. Ngoài việc phát triển kênh bán hàng truyền thống thông qua các nhà phân phối và hệ thống bán lẻ trực tiếp, HTX đã chú trọng đến việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki hay mạng xã hội Facebook. Qua đó, tạo ra chuỗi sản xuất hàng hóa giá trị kinh tế cao, góp phần thực hiện chương trình trọng tâm về phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao mà huyện Hoằng Hóa đã và đang tập trung thực hiện.

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp- Ảnh 2.

Bà Hoàng Thị Định, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Bà Hoàng Thị Định, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Hiệu quả của HTX rất tốt, tạo được nhiều công ăn việc làm cho chị em phụ nữ, chuỗi mặt hàng xuất ra được nhiều nơi. Hội liên hiệp phụ nữ rất quan tâm, tạo điều kiện cho HTX phát triển sản xuất".

Với hệ thống nhà lưới, nhà màng được đầu tư đồng bộ, hiện đại trên diện tích 20.000m2, trị giá trên 3 tỷ đồng đã được anh Mai Văn An, Thôn 3, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc mạnh dạn đầu tư để phát triển nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ. Để điều khiển được các yếu tố ngoại cảnh trong quá trình chăm sóc cây nho sữa và cây dưa vàng trong hệ thống nhà màng, anh đã đầu tư lắp hệ thống phun sương, tích hợp hệ thống tưới tự động. Hệ thống tưới nhỏ giọt tới từng gốc cây, chủ động cung cấp nước và dinh dưỡng đầy đủ cho cây trồng. Để cây trồng sinh trưởng thuận lợi trong nhà màng, khi xuống giống, công nhân phải thực hiện rất cẩn thận ở tất cả các khâu từ ươm hạt, làm đất, kiểm tra chất lượng nước tưới, phân bón, điều khiển hệ thống tưới, điều chỉnh chế độ chăm sóc bằng hệ thống thiết bị thông minh như: điện thoại, nhiệt kế. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng sản phẩm thu hoạch đảm bảo chất lượng, thân thiện với môi trường.

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp- Ảnh 3.

Anh Mai Văn An, Thôn 3, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Tôi đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình công nghệ cao, tránh được rủi ro của thiên tai, trồng trong nhà kính thì hiệu quả cao hơn, tiết kiện được nhiều công sức".

Hiện nay trên diện tích hiện có, gia đình anh Mai Văn An đang đưa vào thâm canh nho sữa, dưa vàng, ớt chuông, rau các loại theo hướng hữu cơ kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Trung bình mỗi năm, hệ thống nhà màng cho thu nhập trên 700 triệu đồng. Với mô hình này đã giúp gia đình anh Mai Văn An phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đồng thời mô hình cũng giúp người dân địa phương học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra nguồn thực phẩm sạch, an toàn cung ứng ra thị trường.

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp- Ảnh 4.

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi tổ chức các lớp tập huấn cho hội viên Hội nông dân trong toàn xã và đang khảo sát, đề nghị đến cấp uỷ, Đảng tạo điều kiện cho tổ chức sản xuất nông nghiệp đối với diện tích lâu nay bỏ không".

Trong xu thế phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phổ biến như hiện nay, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sẽ giúp các hộ gia đình và HTX khai thác thế mạnh tiềm năng đất đai của địa phương, tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn có giá trị; hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường, sức khỏe người tiêu dùng, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp tại mỗi địa phương.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ 19/4/2024