Ứng dụng công nghệ trong quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe

09:14 - 09/04/2023

Thời gian qua, các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng đầu tư, nâng cấp hệ thống sân tập, phương tiện thực hành lái xe. Đặc biệt, các cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, kiểm soát chặt chẽ thời gian tham gia học của học viên, qua đó từng bước cao chất lượng đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.

Năm 2023, trường Trung cấp nghề Hưng Đô được phê duyệt đào tạo 6.000 lái xe mô tô hạng A1 và 2.100 lái xe ô tô, từ hạng B1, B2, C, D đến hạng E. Thực hiện Thông tư số 38, Thông tư số 04 của Bộ Giao thông vận tải quy định về điều kiện đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, nhà trường đã đầu tư, lắp đặt thiết bị điện tử DAT trên các phương tiện tập lái nhằm quản lý chặt giờ dạy và học của giáo viên, học viên.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe - Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Hưng Đô, huyện Thiệu Hóa cho biết, đối với những trường hợp học viên không hoàn thành chương trình, thời gian các môn học theo qui định đề ra, nhà trường sẽ không tổ chức xét duyệt để tham gia học các môn học tiếp theo cũng như không xét duyệt tham gia kỳ thi tốt nghiệp. Những học viên nêu trên sẽ được nhà trường tổ chức học bù, hoàn thiện những phần học thiếu rồi mới cho tham gia thi tốt nghiệp.

Thông tư số 04 của Bộ Giao thông vận tải quy định: từ ngày 1/1/2023 các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ phải áp dụng mô hình Cabin điện tử vào giảng dạy cho học viên trước khi thực hành lái xe trên đường. Do đó, ngay từ đầu năm 2023, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp lái xe cơ giới đường bộ Thống Nhất đã lắp đặt, đưa 2 Cabin điện tử vào giảng dạy lái xe; qua đó giúp học viên từng bước làm quen với phương tiện, thao tác, kỹ năng điều khiển phương tiện trước khi thực hành ngoài đường. 

Ứng dụng công nghệ trong quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe - Ảnh 3.

Ông Đỗ Minh Khánh, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp lái xe cơ giới đường bộ Thống Nhất cho biết thêm cơ sở đã đầu tư, ký hợp đồng với Công ty thiết bị điện tử lắp 2 thiết bị điện tử, tới đây sẽ lắp đặt thêm 2 chiếc nữa để phục vụ cho học viên không phải chờ đợi và học đạt kết quả tốt, phục vụ công tác đào tạo lái xe ở khu vực phía Tây của Thanh Hóa.

Hiện nay Thanh Hóa có 8 cơ sở đào tạo lái xe và 9 trung tâm sát hạch lái xe. Thực hiện các quy định của Bộ Giao thông vận tải về quản lý đào tạo lái xe cơ giới, các trung tâm, cơ sở đào tạo đã tăng cường quản lý thời gian giảng dạy và học của giáo viên, học viên, đảm bảo "học thật, thi thật". Kết quả: Qúy I năm 2023, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức học, sát hạch, cấp mới trên 2.800 giấy phép lái xe mô tô hạng A1 và trên 3.200 giấy phép lái xe ô tô các hạng B1,B2, hạng C,D,E…

Ứng dụng công nghệ trong quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo lái xe - Ảnh 5.

Trước diễn biến tình hình trật tự giao thông ngày càng phức tạp, đặc biệt là phương tiện xe ô tô tăng đột biến như hiện nay, nếu không siết chặt quản lý, trang bị cho học viên kỹ năng điều khiển phương tiện, hướng dẫn lái xe an toàn khi tham gia giao thông sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất lớn. Vì vậy, các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ công tác đào tạo, chú trọng giảng dạy các kỹ năng xử lý tình huống tham gia giao thông, kỹ năng điều khiển phương tiện trên đường cao tốc; qua đó nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. 

                                                                  

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 9.4.2023