Ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi: Tạo hướng phát triển bền vững

15:53 - 02/03/2023

Hệ thống chuồng trại được đầu tư bài bản, tự động hóa quy trình chăn nuôi khép kín, con giống được lai tạo, tuyển chọn chất lượng, phòng chống dịch bệnh là những ứng dụng khoa học kỹ thuật của các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang được đẩy mạnh áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm vệ sinh môi trường và góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Năm 2018, ông Lê Văn Lợi ở thôn Én Giang, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương đã nhận thầu gần 2ha đất của các hộ dân xung quanh để đầu tư phát triển chăn nuôi. Đây vốn là vùng đất trũng, canh tác kém hiệu quả được ông cải tạo để xây dựng chuồng trại, bắt tay vào chăn nuôi gà thịt thương phẩm. Trong quá trình nuôi gà, ông đã đầu tư xây dựng quy mô, khép kín, trang bị đầy đủ các thiết bị, máy móc tự động theo công nghệ cao. Nhờ đầu tư bài bản và áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, đến nay mô hình của gia đình ông có tổng đàn lên tới 20 nghìn con gà trên 1 lứa. Mỗi năm, trung bình gia đình ông quay vòng được 5 lứa. Đặc biệt, trang trại của ông hiện đang liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi CiPi Việt Nam. Công ty chịu trách nhiệm cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi năm, ông Lợi cung cấp cho công ty khoảng 400 tấn gà thương phẩm, trừ chi phí, thu lãi khoảng gần 1 tỷ đồng/năm.

Xây dựng và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao là khâu đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quảng Xương lần thứ 26 nhiệm kỳ 2020-2025 xác định rõ. Trong đó, chăn nuôi là một trong những mục tiêu mà huyện triển khai thực hiện, tạo hướng phát triển bền vững. Theo đó, huyện đã quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung tại các xã Quảng Định, Quảng Hợp, Quảng Bình, Quảng Trường, Quảng Đức và thị trấn Tân Phong. Hiện nay trên địa bàn huyện Quảng Xương có 40 trang trại chăn nuôi, hầu hết các chủ trang trại chăn nuôi đã chủ động hơn trong việc đầu tư trang thiết bị và công nghệ chuồng trại đáp ứng yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, huyện khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi: Tạo hướng phát triển bền vững - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Chung, Phó phòng nông nghiệp, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Ông Trần Văn Chung, Phó phòng nông nghiệp, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trong thời gian qua các hộ đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao, phòng dịch bệnh tốt, huyện sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện đầu tư các thiết bị, áp dụng tốt các khoa học công nghệ mới để tiến tới xây dựng nông nghiệp bền vững."

Hiện nay, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 31 trang trại chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao, và chăn nuôi gà ứng dụng đệm lót sinh học; trong đó có gần 20 trang trại thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. Để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, huyện Thọ Xuân đã khuyến khích người dân tích tụ, tập trung đất đai, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn đã tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến về giống, chuồng trại, quy trình chăn nuôi VietGap, an toàn sinh học... Qua đó, các hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, áp dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần kiểm soát dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi: Tạo hướng phát triển bền vững - Ảnh 3.

Nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghệ cao, an toàn, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân chủ trương, định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh, ưu tiên hỗ trợ cho việc phát triển các con nuôi chủ lực có quy mô lớn. Bên cạnh đó, để các trang trại phát huy được hiệu quả, các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án chăn nuôi trang trại và chăn nuôi công nghệ cao, giúp giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho các trang trại. Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi: Tạo hướng phát triển bền vững - Ảnh 4.

Ông Trịnh Cao Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Ông Trịnh Cao Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Đối với ngành chăn nuôi áp dụng khoa học công nghệ là rất quan trọng... huyện đã áp dụng và trong đó huyện có 111 trang trại, hiệu quả đạt từ 500 triệu trở lên. Huyện sẽ tập trung quy hoạch trang trại tập trung, khuyến khích các hộ k chăn nuôi nhỏ, huyện đầu tư các hạ tầng để đảm bảo an toàn chăn nuôi..."

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 1.080 trang trại, trong đó 582 trang trại nuôi lợn, 83 trang trại chăn nuôi trâu, bò, 415 trang trại chăn nuôi gia cầm và có 69 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, trong đó có các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có vốn đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi chăn nuôi theo hình thức gia công, đem lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi khi tham gia vào chuỗi liên kết.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi: Tạo hướng phát triển bền vững - Ảnh 5.

Thời gian tới, ngoài sự chủ động của người chăn nuôi, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ trong chăn nuôi, hướng dẫn người dân áp dụng và mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư chuồng trại khép kín, tạo điều kiện về đất đai xây dựng chuồng trại, vùng chăn nuôi tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi nhằm xây dựng chuỗi liên kết giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ 27/02/2023