Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nước mắm truyền thống

19:22 - 01/02/2023

Đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh đang được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cho nghề sản xuất nước mắm tại các địa phương.

Thời gian qua, cùng với việc chú trọng xây dựng thương hiệu nước mắm truyền thống, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các địa phương trong tỉnh đã đầu tư máy móc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia xã Hoằng Phụ huyện Hoằng Hóa là đơn vị đi đầu trong việc đổi mới công nghệ, thay đổi phương pháp muối mắm truyền thống để đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ việc đầu tư máy móc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong các khâu đóng chai, dán nhãn cũng được dùng bằng máy thay thế cho lao động thủ công, vừa nhanh lại đều, đẹp, việc ứng dụng, đổi mới trong sản xuất đã mang lại hiệu quả cao hơn cách làm truyền thống. Năm 2020, sản phẩm nước mắm và mắm tôm Lê Gia đã được Hội đồng Trung ương công nhận sản phẩm đạt 5 sao OCOP cấp quốc gia.

Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nước mắm truyền thống - Ảnh 2.

 Xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa hiện có trên 300 hộ sản xuất nước mắm truyền thống, thì có hơn 100 hộ sản xuất theo hướng công nghệ cao. Các cơ sở đã đổi mới công nghệ vào khâu đóng chiết, nhãn mác phù hợp với thị trường. Các sản phẩm góp phần làm phong phú thêm sự lựa chọn an toàn, tin cậy cho người tiêu dùng khi đến với các sản phẩm nước mắm truyền thống. Thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tăng cường tư vấn, hỗ trợ các sản phẩm tham gia chương trình OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm và mẫu mã. Đây là nghề chủ lực mang lại thu nhập khá cho người dân xã Hoằng Phụ.

Tại xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, nghề sản xuất nước mắm truyền thống ở đây đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, trong những năm qua nhiều cơ sở, hộ gia đình đã đầu tư, đổi mới công nghệ đưa ra sản phẩm đóng chai thủy tinh, có tem nhãn, mã vạch QR code. Nhờ đó, các hộ đã thành lập công ty, phát triển với quy mô lớn, hình thức sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu khách hàng. Nhờ sự thay đổi mẫu mã, nhãn hiệu, chú trọng hơn những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, nên sản phẩm nước mắm truyền thống ở đây đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm và trở thành sản phẩm đạt OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh..

Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nước mắm truyền thống - Ảnh 3.

Hiện nay, nghề sản xuất nước mắm tại Thanh Hóa đa số vẫn duy trì theo phương thức truyền thống, vì vậy để nâng cao năng suất, hiệu quả thì việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nước mắm truyền thống hiện đang được nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện.  Ngoài ra, việc sản xuất áp dụng công nghệ mới đã giúp các cơ sở tăng tính cạnh tranh, khả năng chiếm lĩnh và mở rộng thị trường, đảm bảo thuận lợi cho việc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nước mắm, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cho nghề sản xuất nước mắm tại các địa phương.

Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nước mắm truyền thống - Ảnh 4.

Thực tế cho thấy, những công ty, cơ sở sản xuất đi đầu trong áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đổi mới phương thức sản xuất, đều cho hiệu quả cao hơn cách làm truyền thống. Từ đó, thị trường cho các sản phẩm ngày càng rộng mở, góp phần nâng cao chất lượng cũng như uy tín và thị phần của nước mắm Thanh Hóa trên thị trường cả nước.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ