Ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thị trường tiêu thụ và giá bán vật liệu xây dựng như hiện nay, việc quan tâm, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật là giải pháp tối ưu để nâng cao tính cạnh tranh cho thương hiệu sản phẩm và sản xuất hiệu quả. Thực tế, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đã tiên phong ứng dụng công nghệ, áp dụng các phương thức sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Công ty cổ phần đầu tư phát triển Vicenza, Khu công nghiệp Lễ Môn, Phường Quảng Hưng, Thành phố Thanh Hóa chuyên sản xuất gạch men cao cấp, gạch ốp lát cao cấp, gạch trang trí. Vì vậy, Công ty luôn chú trọng tới việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Trước đây, khi chưa có hệ thống máy in kỹ thuật số, người lao động của Công ty phải sử dụng bằng máy in lưới, in bằng tay, sản phẩm không có độ nét, chiều sâu, độ bóng. Nhưng từ khi Công ty đầu tư đưa vào sử dụng hệ thống máy in kỹ thuật số, đã góp phần giảm nhân công, đa dạng kiểu dáng của sản phẩm.

Ngoài hệ thống máy in kỹ thuật số, mới đây, Công ty đã đầu tư dây chuyền mài bóng công nghệ NaNo nhập khẩu từ Ý để sản xuất dòng gạch khổ lớn trên 1m. Hiện nay, toàn bộ quy trình sản xuất bao gồm công đoạn ép, tráng men, lò nung, phân loại sản phẩm của Công ty đều sử dụng công nghệ hiện đại với dây chuyền hoàn toàn tự động. Do vậy, dòng sản phẩm gạch ốp lát Vicenza cao cấp về chất lượng và đa dạng về kiểu dáng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất của thế giới. Mỗi năm, Công ty cung cấp cho thị trường hàng triệu m2 gạch ốp lát. 

Ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng - Ảnh 2.

Để tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty đã huy động cán bộ, công nhân viên phát huy phong trào ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến kỹ thuật vào sản xuất. Trong năm 2022, Công ty có 35 sáng kiến kỹ thuật cấp cơ sở. Trong đó, tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ từ công đoạn khai thác nguyên liệu đến xuất bán sản phẩm nhằm tối ưu hóa toàn bộ quá trình sản xuất, giảm chi phí, gia tăng giá trị sản phẩm. Tiêu biểu như sáng kiến "Nghiên cứu bài phối liệu Xương sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong tỉnh thay thế nguyên liệu ngoại tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành. Trong đó, tăng tỉ lệ nguyên liệu Kaolanh Lang Chánh; đưa trường thạch Như Xuân tả sàng vào trong bài phối liệu xương không sử dung cao lanh phong hóa. Các loại nguyên liệu trong tỉnh có các thông số cơ lý -  hóa gần tương đồng với các nguyên liệu tỉnh ngoài, xương có độ sáng tương đối, khoảng chảy rộng các chỉ tiêu công nghệ. Mặt khác các nguyên liệu trong tỉnh dễ vận chuyển, chất lượng ổn định nên sản phẩm sản xuất đạt chất lượng, tiết kiệm chi phí mua nguyên liệu cho Công ty từ 6 đến 7 tỷ đồng.

Công ty TNHH Hoàng Tuấn, Khu đô thị Hoàng Long, Thành Phố Thanh Hóa là 1 trong những đơn vị sản xuất bê tông thương phẩm. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, các công trình xây dựng , Công ty đã đầu tư 3 trạm sản xuất bê tông thương phẩm với dây chuyền công nghệ sản xuất bê tông thương phẩm hiện đại lên tới hơn 40 tỷ đồng với công suất 120m3/h. Mới đây, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất nhựa nóng Asphalt của Hàn Quốc, tự động hoàn toàn, công suất 160 tấn/giờ. Ưu điểm của nhựa nóng Asphalt là thân thiện với môi trường, giảm tiếng ồn. Với dây chuyền thiết bị hiện đại, đồng bộ được nhập khẩu từ nước ngoài, hàng năm, công ty cung cấp cho thị trường 200.000m3 bê tông thương phẩm; 100.000 tấn bê tông nhựa nóng, phục vụ các công trình xây dựng, công trình giao thông, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng - Ảnh 3.

Mới đây, Công ty đã đầu tư thêm dây chuyền máy nghiền cát nhân tạo từ đá và các thiết bị kèm theo trị giá gần 20 tỷ đồng, tự động hoàn toàn, được áp dụng theo công nghệ Nhật Bản với công suất 200 tấn/giờ phục vụ cho nhu cầu của Công ty và thị trường. Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, Công ty đã chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng, nghiên cứu cho ra đời sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 100 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Việc ứng dụng, đổi mới công nghệ vào sản xuất đã góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng các loại vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Nhờ đó, hàng năm, tổng giá trị sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đạt hơn 22 nghìn tỷ đồng.

Ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng - Ảnh 4.

Theo quy hoạch, định hướng phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, tỉnh Thanh Hóa sẽ chú trọng 7 nhóm vật liệu xây dựng là: Vật liệu xây (gạch nung, gạch không nung), vật liệu lợp (nung và không nung), đá xây dựng, cát xây dựng (cát tự nhiên, cát nghiền), bê tông (cấu kiện và thương phẩm), vôi công nghiệp, tấm thạch cao. Ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu sớm hội nhập khoa học và công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng quốc tế, nâng cao trình độ nghiên cứu trong nước, rút ngắn khoảng cách về công nghệ so với thế giới để nâng cao tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Do đó, đổi mới công nghệ sản xuất không chỉ là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp sản xuất mà còn bảo đảm thực hiện đúng quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ 17/02/2023