Ứng dụng Khoa học kỹ thuật trong xây dựng mã số vùng trồng

21:52 - 03/02/2024

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất, các hợp tác xã trên địa bàn thực hiện các tiêu chuẩn về điều kiện canh tác để được cấp mã số vùng trồng, với mục tiêu hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn. Đây được coi đây là tấm“hộ chiếu” đưa nông sản của tỉnh Thanh Hóa tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 82 vùng trồng được cấp mã số với tổng diện tích gần 800 ha. Trong đó, lúa gần 681 ha, cây ăn quả hơn 60 ha, rau màu và các loại cây trồng khác 54 ha. Phần lớn các mã số vùng trồng được cấp trên địa bàn các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thọ Xuân. Việc xây dựng mã số vùng trồng giúp chuyển biến nhận thức của các hộ trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến và có nhiều sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, Quốc tế, hữu cơ, OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh... Nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ gia đình ứng dụng mã QR- Code giúp người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc địa chỉ mặt hàng nông sản. Nhờ vậy, nông sản của địa phương đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức canh tác theo kiểu truyền thống, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn.