Ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi

10:00 - 07/03/2023

Những năm qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng con nuôi,đầu tư xây dựng chuồng trại, người chăn nuôi còn chú trọng áp dụng khoa học – công nghệ để bảo đảm vệ sinh môi trường. Từ đó hạn chế sự lây nhiễm của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, góp phần phát triển kinh bền vững.

Gia đình bà Hứa Thị Thuận là hộ chăn nuôi lâu năm tại thôn Vĩnh Lợi, xã Hải Long, huyện Như Thanh. Mặc dù chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng các phế thải chăn nuôi tích tụ lâu ngày đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân xung quanh. Nhận biết rõ điều đó nên gia đình thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhưng cũng không xử lý hết được mùi hôi từ phế thải chăn nuôi. Với mong muốn đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi, không gây ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh, ngay sau khi được cán bộ nông nghiệp xã, huyện đến tuyên truyền các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, gia đình bà Hứa Thị Thuận đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hầm Biogas. Sau 6 năm sử dụng, đến nay hầm biogas của gia đình bà Hứa Thị Thuận vẫn phát huy hiệu quả.

Ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi  - Ảnh 2.

Bà Hứa Thị Thuận, Thôn Vĩnh Lợi, xã Hải Long, huyện Như Thanh cho biết: "Gia đình tôi chăn nuôi được hơn chục năm nay rồi. 5,6 năm trở lại đây tôi sử dụng bình Biogas. Nói chung sử dụng bình biogas gia đình có thêm chất đốt, gia đình sử dụng nấu ăn hàng ngày; thứ hai là đỡ ô nhiễm môi trường, không có mùi hôi thối; thứ 3 là diệt ký sinh trùng, cho môi trường xanh, sạch, đẹp."

Tận dụng diện tích vườn nhà, anh Vi Văn Tuần, thôn Đồng Lớn, xã Hải Long, huyện Như Thanh đã xây dựng 250m2 chuồng trại để chăn nuôi gà. Mỗi năm gia đình anh xuất bán 4 lứa gà, mỗi lứa 1500 con. Xác định việc chăn nuôi sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ dân xung quanh, đặc biệt là vấn đề môi trường, nên anh Vi Văn Thuận đã tích cực học hỏi và ứng dụng khoa học công nghệ để xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi.

Ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi  - Ảnh 3.

Đảm bảo vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vì thế, bên cạnh việc khuyến khích các hộ dân phát triển kinh tế, các cấp ủy chính quyền tại huyện Như Thanh cũng quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường đặc biệt là việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Bởi trong chăn nuôi dễ gây ô nhiễm bởi các nguyên nhân như: chất thải rắn, chất thải lỏng, xác gia súc, gia cầm chết không được tiêu hủy đúng quy trình...

Ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi  - Ảnh 4.

Ông Lục Đại Trường, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã Hải Long cho biết thêm: "Công tác vệ sinh môi trường trong chăn nuôi được các cấp ủy đảng chính quyền quan tâm. Hàng năm triển khai các kế hoạch, các thông báo tuyên truyền đến bà con nhân dân để đảm bảo vệ sinh môi trường như sử dụng Biogas, sử dụng biện pháp sinh học trong chăn nuôi. Hiện nay các hộ đều áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường cho gia đình, cho địa phương."

Toàn tỉnh hiện có khoảng 92.000 hộ chăn nuôi lợn, 500.000 hộ chăn nuôi gia cầm và 128.000 hộ chăn nuôi trâu, bò. Hiện nay, bên cạnh việc sử dụng đệm lót sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các hộ chăn nuôi còn sử dụng thức ăn hữu cơ phối trộn với men sinh học giảm thiểu quá trình hình thành các chất thải gây mùi như H2S, NH3. Thực tế cho thấy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi không chỉ đảm bảo vệ sinh môi trường mà còn hỗ trợ vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân.

Ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi  - Ảnh 5.

Anh Hoàng Văn Quý, thôn Nhật Quang, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc chia sẻ: "Gia đình tôi có 2500m2 chuồng trại, mỗi năm xuất bán hàng nghìn con lợn. Tôi nhận thấy việc ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi rất hiệu quả, đỡ dịch bệnh, giảm thiểu nhân công, giảm mùi hôi thối, cho hiệu quả kinh tế cao."

Những năm qua, ngành nông nghiệp, các đoàn thể, địa phương đã nỗ lực triển khai  các dự án, chương trình, khuyến khích, vận động người chăn nuôi xây dựng hệ thống hầm Bioga, xử lý chất thải bằng  phương pháp ủ sinh học, hố lắng sinh học; sử dụng các chế phẩm sinh học, chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học... Nhờ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các hộ chăn nuôi trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, tổ chức các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật... đã góp phần xóa bỏ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng an toàn sinh học. Từ đó, giúp quản lý tốt hơn về chất lượng sản phẩm và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát và giảm tối đa việc sử dụng hóa chất, các thành phần vô cơ, các chất tăng trọng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Ứng dụng khoa học và công nghệ đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi  - Ảnh 6.

Mặc dù việc áp dụng khoa học công nghệ góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn Thanh Hóa mới chỉ có khoảng 30% số hộ chăn nuôi áp dụng một trong số các biện pháp xử lý chất thải. Trong thời gian tới, để đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm; mở các lớp tập huấn về an toàn sinh học trong chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi chấp hành tốt việc bảo vệ môi trường, có ý thức trong việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại, hiệu quả.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ 07/03/2023