Ứng phó sự cố cháy nổ - Từ nâng cao nhận thức đến trang bị đầy đủ kỹ năng

Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, 5 phút sau khi khởi phát đám cháy là thời gian vàng để chữa cháy hiệu quả và thoát nạn an toàn. Tuy nhiên, để tận dụng được khoảng thời gian ngắn ngủi đó, người dân không chỉ cần có kiến thức, mà còn cần thành thục các kỹ năng chữa cháy và thoát nạn. Chính vì lý do này, dự kiến trong năm 2024, lực lượng chức năng và các địa phương trên địa bàn Thanh Hóa sẽ đồng loạt tổ chức tuyên truyền, thực hành chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ cho người dân.

Tiết học ngoại khóa Thực hành kỹ năng sống của các em học sinh trường THCS Quảng Ninh, huyện Quảng Xương có sự xuất hiện của các cô, chú công an cùng những chiếc bình cứu hỏa vốn khá xa lạ khiến tiết học trở nên hào hứng hơn hẳn. Lý thuyết khô khan đã được thay thế bằng các câu chuyện thực tế sinh động.

Ứng phó sự cố cháy nổ - Từ nâng cao nhận thức đến trang bị đầy đủ kỹ năng- Ảnh 1.

Em Hồ Thị Kim Ngân, học sinh trường THCS Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Em biết được cách phòng cháy chữa cháy tại nhà cũng như là cách thoát nạn. Việc sử dụng bình chữa cháy cũng rất dễ nên trong gia đình em nghĩ là nên có 1 bình cứu hỏa".

Ông Bùi Tuấn Việt, Hiệu trưởng trường THCS Quảng Ninh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hôm nay là hoạt động rất thực tế. Học sinh tham gia tích cực và các thầy cô giáo cũng hưởng ứng rất nhiệt tình. Tôi nghĩ đây là hoạt động rất hiệu quả, cần phải được nhân rộng, không chỉ đối với đối tượng là học sinh, giáo viên mà là đến từng người dân để người dân biết và hiểu những kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy".

Ở cấp tỉnh, chương trình được tổ chức quy mô hơn dưới dạng trải nghiệm thực tế và diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy. Trong đó, một số kỹ năng như thoát nạn từ trên cao bằng đệm hơi và cầu dây nghiêng, phun nước tiêu điểm chữa cháy, thoát nạn trong môi trường khói khí độc … đã thu hút hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên, giảng viên tham gia.

Ứng phó sự cố cháy nổ - Từ nâng cao nhận thức đến trang bị đầy đủ kỹ năng- Ảnh 2.

Em Lê Thị Linh, Khoa Giáo dục mầm non và Tiểu học, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Hoạt động đu dây thoát nạn từ trên cao là em thấy thú vị nhất. Thứ nhất là làm mình tự tin hơn, thứ 2 là giúp mình có kỹ năng thoát nạn được khi mà có cháy ở các chung cư cao tầng".

Ứng phó sự cố cháy nổ - Từ nâng cao nhận thức đến trang bị đầy đủ kỹ năng- Ảnh 3.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Thanh Hóa

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi sẽ trang bị 100% cho người học và người lao động trong nhà trường biết về các kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn. Thông qua chương trình này, nhà trường cũng sẽ xem xét, đánh giá lại hệ thống phòng cháy chữa cháy của nhà trường. Chúng tôi đã có kế hoạch kiểm tra, trang cấp bổ sung các thiết bị còn thiếu, chủ động thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy".

Năm nay là năm đầu tiên chương trình tuyên truyền, thực hành và trải nghiệm các kỹ năng chữa cháy và thoát nạn được Thanh Hóa tổ chức đồng loạt ở cả 3 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Theo đó, cấp tỉnh tổ chức ít nhất 1 quý 1 lần trong 2 ngày; cấp huyện tổ chức mỗi tháng 1 lần, mỗi lần ít nhất tại 1 địa điểm tập trung đông người và cấp xã tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục qua hệ thống loa truyền thanh và mạng xã hội.

Ứng phó sự cố cháy nổ - Từ nâng cao nhận thức đến trang bị đầy đủ kỹ năng- Ảnh 4.

Trung tá Lê Đình Lợi, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Thanh Hóa

Trung tá Lê Đình Lợi, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ bố trí tối đa lực lượng, phương tiện để tổ chức chương trình quy mô cấp tỉnh. Về phía cấp huyện, xã, chúng tôi bố trí các cán bộ dày dặn kinh nghiệm, có khả năng tuyên truyền để hỗ trợ các đơn vị tham mưu hiệu quả cho UBND cấp huyện, xã tổ chức chương trình phù hợp thực tế, đạt hiệu quả cao nhất".

Năm 2024, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng có kế hoạch thực hiện các chương trình diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư và cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức hội thi nghiệp vụ tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy… với mục tiêu trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản phòng ngừa và ứng phó với sự cố cháy nổ cho đại đa số người dân. Từ đó, kéo giảm số vụ, số người chết, bị thương và thiệt hại tài sản do cháy nổ gây ra.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV