Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc với tỉnh Thanh Hóa về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021

21:08 - 15/04/2022

(TTV) - Chiều ngày 15/4, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021. Tiếp và làm việc với đoàn giám sát, về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh và một số địa phương.

 

Thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019 – 2021, Thanh Hóa đã sắp xếp 143 đơn vị hành chính cấp xã thành 67 đơn vị, giảm 76 đơn vị; đưa số đơn vị hành chính cấp xã từ 635 đơn vị (trước sắp xếp) giảm còn 559 đơn vị (sau khi sắp xếp). Tỷ lệ cử tri đồng ý, ủng hộ phương án sắp xếp đạt bình quân 93,81% trở lên. Tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp được nghiên cứu, lựa chọn kỹ lưỡng trên cơ sở truyền thống lịch sử, văn hóa, định hướng phát triển của đơn vị và có sự thống nhất của Nhân dân. Công tác tổ chức đại hội Đảng bộ, bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với các đơn vị hành chính mới rất thành công, góp phần ổn định và tạo thuận lợi cho phát triển của đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng trình bày báo cáo kết quả thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng trình bày báo cáo kết quả thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Các địa phương đã xây dựng phương án bố trí, sắp xếp  đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hợp lý; phấn đấu đến năm 2025, số lượng cán bộ, công chức bằng hoặc thấp hơn số lượng quy định.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn Thanh Hóa đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao chất lượng và đời sống Nhân dân; Hiệu quả công tác quản lý nhà nước tại các đơn vị được nâng cao; Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh đã gắn với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở; góp phần tiết kiệm ngân sách mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, hiệu quả đã đạt được, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cũng có một số tồn tại, khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp công chức dôi dư; trong sử dụng cơ sở vật chất; trong thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù đối với người dân và với cán bộ, công chức; một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của sắp xếp đơn vị hành chính, có tư tưởng cục bộ nên triển khai thực hiện chưa đạt yêu cầu.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ hướng dẫn cụ thể hoặc bổ sung, sửa đổi một số nội dung trong việc lấy ý kiến cử tri; bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư; thực hiện các chính sách đặc thù; xử lý tài sản công sau khi sáp nhập.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng khẳng định: việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là vấn đề lớn, rất khó khăn, đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, với nhận thức: đây là chủ trương lớn, quan trọng và đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thanh Hóa đã quyết tâm rất cao, chủ động và có sự chuẩn bị từ sớm cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; do vậy, đã tạo ra sự đồng thuận cao trong cán bộ đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, tạo điều kiện thực hiện thành công việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Tình hình chính trị sau sắp xếp ổn định, là động lực, tiền đề để các địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã làm rõ một số vấn đề mà đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm; thông tin thêm về tiến trình sáp nhập huyện Đông Sơn và thành phố Thanh Hóa; đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ Thanh Hóa trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn tiếp theo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận buổi làm việc.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đánh giá cao những thành công của Thanh Hóa trong việc sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2019 – 2021; đồng thời khẳng định: Thanh Hóa là địa phương đi đầu và thực hiện sớm nhất trong cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết 37/2018 của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Quốc hội về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Với sự chủ động và quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, việc tổ chức thực hiện các phương án sáp nhập đã tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo dư địa lớn cho các địa phương phát triển.

Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị Thanh Hóa tiếp tục quan tâm, làm tốt vấn đề sắp xếp cán bộ công chức, sắp xếp công sở, trạm y tế dôi dư sau sáp nhập; đồng thời ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Thanh Hóa để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.  

Hữu Đại – Xuân Trường 

Theo Bản tin Thời sự tối/TTV