Vai trò của Chi bộ, Bí thư chi bộ trong phát triển kinh tế thôn, bản miền núi

15:41 - 13/08/2022

(TTV) - So với các huyện miền xuôi, điều kiện phát triển kinh tế của khu vực miền núi Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn, đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào các dân tộc nơi đây còn nhiều hạn chế. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền các huyện miền núi Thanh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế, trongđó đặc biệt quan tâm tới việc phát huy vai trò của Chi bộ đảng ở cơ sở, đặc biệt là vai trò của các Bí thư chi bộ. Nhờ sự nỗ lực của các Chi bộ đảng, đặc biệt là các Bí thư chi bộ, nhiều mô hình kinh tế tại các thôn bản vùng sâu vùng xa được ra đời, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Thôn Trênh, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước là nơi tập trung sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Mường. Đây là thôn về đích nông thôn mới đầu tiên của xã Ái Thượng. Những năm qua, chi bộ thôn, mà đứng đầu là Bí thư Hà Văn Minh, đã có nhiều nỗ lực trong việc động viên cán bộ Đảng viên, bà con nhân dân tích cực phát triển các mô hình kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đại hội Chi bộ đã đặt ra mục tiêu: năm 2023, thôn cố gắng giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,5 % xuống còn 4,0%.

Vai trò của Chi bộ, bí thư chi bộ trong phát triển kinh tế thôn, bản miền núi - Ảnh 2.

Gia đình chị Lục Thị Chanh trước đây chỉ làm ruộng. Năm 2012,chị bắt đầu chuyển sang chăn nuôi, nhưng quy mô rất nhỏ. Được sự động viên, giúp đỡ của chi bộ thôn, năm 2016, chị quyết định tăng số lượng đàn gia súc. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chị đầu tư mua sắm máy móc, mở rộng chuồng trại, đồng thời tìm phương án chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi. Gia đình chị Chanh là hộ đầu tiên của thôn Trênh triển khai nuôi bò 3B. Đây là giống bò được phối tinh ngoại, có giá trị kinh tế cao bậc nhất hiện nay. Ngoài nuôi bò, chị còn nuôi thêm 6 con lợn nái sinh sản. Nhờ chăn nuôi có hiệu quả, kinh tế gia đình chị đã được cải thiện đáng kể so với trước kia.

Nhờ tích cực gây dựng kinh tế, đời sống vật chất của người dân thôn Trênh được nâng lên đáng kể. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của thôn là 32 triệu đồng; năm 2022, dự kiến đạt 42 triệu đồng/ người/ năm. Như vậy, chỉ trong 6 năm, thu nhập của người dân trong thôn đã tăng lên 10 triệu đồng/ người/ năm.

Vai trò của Chi bộ, bí thư chi bộ trong phát triển kinh tế thôn, bản miền núi - Ảnh 3.

Nhiều Bí thư chi bộ tại Bá Thước không chỉ làm tốt công tác vận động, khuyến khích người dân phát triển kinh tế, mà còn là đầu tàu gương mẫu để các đảng viên và người dân trong thôn, bản học tập, noi theo. Ông Hà Xuân Cường, Bí thư chi bộ kiêmTrưởng thôn Sông Mã, xã Điền Lư là một trong số đó.

Vai trò của Chi bộ, bí thư chi bộ trong phát triển kinh tế thôn, bản miền núi - Ảnh 4.

Thôn Sông Mã có tổng cộng 156 hộ, trong đó, 20 hộ thuộc diện nghèo.Là người đứng đầu chi bộ, ông Hà Xuân Cường đã nỗ lực phát triển mô hình trang trại tổng hợp, ngoài mục đích nâng cao đời sống cho gia đình, còn nhằm động viên, khuyến khích người dân tích cực tìm hướng làm giàu. Thời điểm cao nhất, ông nuôi gần 30 con trâu, 15 con bò và 40-50 con dê. Ngoài ra, ông còn canh tác 1ha sắn và 4,5ha luồng. Mô hình trang trại tổng hợp đem lại cho gia đình ông Hà Xuân Cường nguồn thu nhập ổn định khoảng 150- 200 triệu đồng/ năm.

Có thể nói, việc phát huy vai trò của Bí thư chi bộ, Chi bộ Đảng ở cơ sở đã có tác động không nhỏ trong việc thúc đẩy người dân tại các thôn, bản, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nỗ lực phát triển kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước đã đề ra.

Ngoài Bá Thước, các huyện miền núi Thanh Hóa cũng nỗ lực trong việc nêu cao vai trò của chi bộ, Bí thư chi bộ trong phát triển kinh tế. Ông Triệu Phúc Hiến là Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố Ngọc Sơn, thị trấn Phong Sơn, huyện Cẩm Thủy. Ngọc Sơn là tổ dân phố đặc biệt, bởi nơi này có 100% đồng bào Dao sinh sống. Khoảng 30 năm về trước, ông Hiến đã đảm nhiệm cương vị Bí thư chi bộ của Ngọc Sơn. Cũng bắt đầu từ đó, ông trở thành người đi đầu trong phát triển mô hình kinh tế tổng hợp dựa vào vườn rừng.

Vai trò của Chi bộ, bí thư chi bộ trong phát triển kinh tế thôn, bản miền núi - Ảnh 5.

Xác định được thế mạnh của Ngọc Sơn, ông tập trung phát triển cây keo và cây gỗ lớn. Đến thời điểm hiện tại, ông đã có 45 ha keo và 10 ha gỗ lớn. Ngoài ra, ông còn trồng thêm một số loại cây ăn quả. Mỗi năm, nguồn thu từ vườn rừng của ông lên đến gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng.

Noi gương Bí thư chi bộ Triệu Phúc Hiến, 11 đảng viên trong tổ dân phố Ngọc Sơn đều phát triển kinh tế tổng hợp dựa vào vườn rừng, với diện tích từ 5-25ha một mô hình. Bản Ngọc Sơn có 105 hộ, với trên 500 nhân khẩu, gia đình nào cũng nỗ lực phát triển kinh tế. Trước đây, cuộc sống của dân bản khó khăn, hiện giờ đã được cải thiện rõ rệt.

Huyện Lang Chánh là đơn vị thực hiện tốt công tác nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ, Trưởng thôn/ bản. Sau quá trình nhất thể hóa, vai trò của Bí thư chi bộ, Chi bộ đảng càng được nâng cao, nhất là trong phát triển kinh tế.

Vai trò của Chi bộ, bí thư chi bộ trong phát triển kinh tế thôn, bản miền núi - Ảnh 6.

Năm 2020, thôn Cốc Mốc tiến hành nhất thể hóa chức danh Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Anh Phạm Văn Hùng từng làm Bí thư chi bộ từ năm 2005. Sau khi nhất thể hóa, anh không chỉ làm tốt vai trò của một Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, mà còn trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của thôn Cốc Mốc. Từ năm 2014, gia đình anh xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trong đó dành 2 ha trồng cây có múi, với 350 gốc bưởi da xanh và 500 gốc cam đường Canh. Đến nay, cam và bưởi đã được thu hoạch, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh.

Vai trò của Chi bộ, bí thư chi bộ trong phát triển kinh tế thôn, bản miền núi - Ảnh 7.

Noi gương gia đình Bí thư chi bộ - Trưởng thôn Phạm Văn Hùng, người dân thôn Cốc Mốc tích cực phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế nông nghiệp. Ngoài trồng cây luồng, hiện nay, thực hiện nghị quyết của huyện, xã, nhiều hộ dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ… đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể nói, Chi bộ Đảng, Bí thư chi bộ cơ sở tại các huyện miền núi Thanh Hóa có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Việc phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân này sẽ có tác động không nhỏ, tạo động lực góp phần đưa kinh tế khu vực miền núi Thanh Hóa khởi sắc, dần bắt kịp với miền xuôi.


Nguồn: Chuyên mục Xây dựng Đảng ngày 12.8