Văn hoá lễ đền, chùa đầu năm

21:49 - 19/02/2024

Đi lễ đền, chùa, đến những nơi tâm linh dịp đầu năm là nét đẹp văn hoá của người Việt. Mọi người đi lễ không chỉ cầu những điều may mắn, an lành cho bản thân, gia đình mà còn bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với đức Phật, tổ tiên. Tuy nhiên, bên cạnh những nét đẹp văn hóa cần được duy trì, phát triển thì hiện nay, văn hóa đi lễ đền, chùa đầu năm còn một số tồn tại cần được khắc phục.

Những ngày đầu xuân, lượng du khách đến du xuân, chiêm bái đền Cửa Đặt, huyện Thường Xuân khá đông. Theo ước tính, mỗi năm vào mùa lễ hội, đền Cửa Đặt thu hút tới hơn 50 ngàn lượt du khách tới tham quan. 

Văn hoá lễ đền, chùa đầu năm- Ảnh 1.

Ban quản lý Di tích lịch sử đền Cửa Đặt đã lên các phương án, quy hoạch các điểm bán hàng, bố trí lực lượng, phân luồng tại các điểm chính dẫn vào di tích và khu vực nội tự. Bên cạnh đó, Ban quản lý Di tích còn có các bảng hướng dẫn, lưu ý du khách cần thực hiện những quy định khi vào nơi thờ tự.

Văn hoá lễ đền, chùa đầu năm- Ảnh 2.

Ông Đỗ Doãn Bảy, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hoá Cửa Đặt, huyện Thường Xuân,tỉnh Thanh Hoá

Ông Đỗ Doãn Bảy, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử văn hoá Cửa Đặt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Đơn vị đã xây dựng phương án, chỗ nào sắp lễ, dâng hương, tổ chức hoạt động tín ngưỡng... Bán hàng theo khu vực, có lối ra vào theo quy định, ký cam kết không buôn bán hàng cấm. Bên trong nội cung không bán hàng, đội ngũ rút thẻ, kêu thay bái đỡ xử lý kiên quyết, để du khách có khoảng dâng hương, yên tĩnh ngắm cảnh".

Tại các điểm tâm linh khác như phủ Na (huyện Như Thanh), đền Am Tiên (huyện Triệu Sơn), có thể thấy năm nay, các hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng lễ dâng hương, thực hiện các hành vi trái pháp luật, kêu thay, bái đỡ, thực hiện các hành vi bùa, rút thẻ, rút quẻ đã được ngăn chặn. Đặc biệt, nạn ăn mày, ăn xin không còn diễn ra tại các di tích. Để làm được điều này, các Ban quản lý Di tích phối hợp với chính quyền địa phương ngay từ trong năm thống kê số hộ còn khó khăn, vận động, hỗ trợ người dân, cam kết không đến những khu vực tâm linh để ăn xin. 

Văn hoá lễ đền, chùa đầu năm- Ảnh 3.

Đây cũng là nỗ lực của các Ban quản lý Di tích, góp phần giải quyết được vấn đề còn tồn tại nhiều năm nay, góp phần tạo hình ảnh thân thiện, văn minh trong nếp sống văn hoá về tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, tình hình an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, các hoạt động bán hàng, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… được các Ban quản lý đền, chùa thực hiện khá đồng bộ.

Văn hoá lễ đền, chùa đầu năm- Ảnh 4.

Trương Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá

Trương Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Xác định lượng du khách về với Phủ Na là rất lớn, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức quy hoạch gian hàng, vị trí, phục vụ du khách tốt nhất để du khách yên tâm đến du lịch".

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá hiện có trên 1500 di tích lịch sử - văn hoá - thắng cảnh được xếp hạng và đưa vào danh mục quản lý. 

Văn hoá lễ đền, chùa đầu năm- Ảnh 5.

Trong những ngày đầu năm mới 2024, tại nhiều khu, điểm di tích tâm linh, đông đảo du khách thập phương đã về dâng hương, thưởng lãm. Với nhiều người, đi lễ chùa đầu năm không chỉ giúp con người thư thái mà còn giúp mỗi người thêm hiểu biết về nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Với sự nỗ lực của ban quản lý các di tích lịch sử, đa số người dân khi đi vãn cảnh, chiêm bái đều rất phấn khởi, hài lòng.

Văn hoá lễ đền, chùa đầu năm- Ảnh 6.

Ông Bùi Đình Thêm, Xã Quảng Minh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá

Ông Bùi Đình Thêm, Xã Quảng Minh, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Cách tổ chức chu đáo, lễ nghi được nhân viên phục vụ chỉ dẫn đến nơi đến chốn. Vệ sinh môi trường sạch sẽ, an ninh trật tự đảm bảo…Toàn thể bà con đi chùa đều nghiêm túc, trang nghiêm".

Tuy nhiên, sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường khiến cho việc du xuân, lễ chùa đầu năm vẫn tồn tại một số hạn chế. Một số đền, chùa vẫn còn hiện tượng người dân đặt tiền lẻ, tiền trên ban thờ. Bên cạnh đó, tình trạng lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan mặc dù đã được hạn chế nhưng vẫn còn tồn tại ở một số nơi. Đặc biệt, ở một số lễ hội, số lượng người dân đến cúng cầu an, dâng sao giải hạn, dâng vàng mã, mâm to, mâm nhỏ chen nhau chúc nhau vẫn còn diễn ra…Việc đốt nhang, khói nghi ngút tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ, nhất là ở những nơi tụ tập đông người…

Văn hoá lễ đền, chùa đầu năm- Ảnh 7.

Việc đi lễ đền, chùa không chỉ giúp cho người dân giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn của ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Để nét đẹp trong văn hóa truyền thống luôn được phát huy và gìn giữ, mỗi người dân khi tham gia du xuân, lễ chùa và tham dự các lễ hội cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, hướng đến những điều chân - thiện - mỹ, tránh những hành động tiêu cực, làm mất đi hình ảnh đẹp trong lễ hội đầu năm.

Văn hoá lễ đền, chùa đầu năm- Ảnh 8.


 

Nguồn: Hộp thư truyền hình 19/02/2024