Văn hóa truyền thống – Sản phẩm du lịch bền vững ở miền núi Thanh Hóa

Trong thời gian qua, du lịch khu vực miền núi Thanh Hoá đã gặt hái được những thành qủa đáng mừng, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Để có được tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ vào việc cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã biết khai thác, đánh thức tiềm năng thế mạnh, đặc biệt là phát huy bản sắc văn hoá truyền thống trong việc xây dựng và phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và mang lại giá trị bền vững.

 

Khu vực miền núi phía Tây Thanh Hóa là một dải đất núi rừng trùng điệp, từ huyện Thạch Thành lên huyện cuối cùng Mường Lát, bao gồm 11 huyện, với 7 dân tộc anh em: Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ mú, Kinh. Khu vực này còn có các di chỉ khảo cổ lịch sử quan trọng; hàng trăm lễ hội, trò diễn dân gian; còn lưu giữ được nhiều không gian văn hóa làng bản với các nếp nhà sàn truyền thống; nhiều nét tập tục sinh hoạt, văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của các dân tộc thiểu số…

Văn hóa truyền thống – Sản phẩm du lịch bền vững ở miền núi Thanh Hóa - Ảnh 2.

Chị Hà Thị Tuyến (Áo xanh thứ 3 từ trái sang phải), Khu du lịch bản Mạ, thị trấn huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá

Năm năm trở lại đây, gia đình chị Hà Thị Tuyến, dân tộc Thái, ở bản Mạ (khu phố Thanh Xuân), thị trấn huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá đã "ly nông nhưng không ly hương" nhờ việc phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng. Biết tận dụng những giá trị độc đáo của văn hoá truyền thống vật thể và phi vật thể của dân tộc Thái như: kiến trúc nhà sàn, văn hoá ẩm thực, trang phục truyền thống, âm nhạc dân gian dan (cồng, chiêng, khua luống)… gia đình chị Tuyến đã xây dựng thành công một mô hình trải nghiệm văn hoá và khu nghỉ dưỡng homestay thu hút được nhiều du khách.

Thường Xuân là nơi sinh sống của hơn 55 ngàn người Thái với nhiều nét văn hoá, phong tục, tập quán đặc sắc. Đây cũng là vùng đất sở hữu nhiều lễ hội mang bản sắc truyền thống của người Thái Trắng như: lễ hội Nàng Han, lễ hội dâng trâu tế trời, lễ mừng cơm mới, Kín chiêng bóc mạy; lễ hội đua thuyền truyền thống… Việc khôi phục và phát triển các lễ hội, lễ tục, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể đã giúp cho Thường Xuân ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch khác biệt so với các địa phương khác.

Ông Vi Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, Thanh Hoá

Thực tế ở các huyện miền núi Thanh Hoá cho thấy việc phát huy nội lực văn hoá truyền thống bản địa để phát triển kinh tế du lịch có thể tạo ra nhiều lợi ích như bảo tồn giá trị văn hoá, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường, tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.

Ở huyện Bá Thước, nhờ làm tốt công tác quy hoạch, quản lý Nhà nước và phát triển du lịch dựa trên nền tảng truyền thống văn hoá, du lịch Pù Luông, Bá Thước từng bước khẳng định thương hiệu. Để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, nhiều năm qua, cấp uỷ, chính quyền và người dân Bá Thước đã từng bước khôi phục nhiều giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể truyền thống của các dân tộc Thái, Mường như: nhà sàn truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, thành lập đội văn nghệ dân gian, các sản phẩm nông sản bản địa…

Văn hóa truyền thống – Sản phẩm du lịch bền vững ở miền núi Thanh Hóa - Ảnh 4.

Bà Lò Thị Dân, thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước chia sẻ: "Mấy năm gần đây, được chính quyền xã vận động, gia đình tôi, nói riêng và hơn 80 hộ dân khác trong thôn đã khôi phục nghề trồng bông, dệt vải để làm ra sản phẩm thổ cẩm truyền thống bán cho người dân trong vùng và xuất bán trong cả nước. Đặc biệt, từ khi có nhiều du khách trong và ngoài nước về với Bá Thước, sản phẩm thổ cẩm bán được rất tốt. Bà con dân bản phấn khởi lắm".

Chính nhờ điểm nhấn không gian thiên nhiên trong lành, mát mẻ; truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc, nhiều năm qua, Pù Luông của Bá Thước đã trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách nước ngoài khi về với xứ Thanh.

Văn hóa truyền thống – Sản phẩm du lịch bền vững ở miền núi Thanh Hóa - Ảnh 5.

Anh Matt Lincoln và chị Julie Jezierski đến từ bang Montana, Hoa Kỳ đã quyết định về với Pù Luông, Bá Thước trong hành trình khám phá đất nước Việt Nam xinh đẹp và thân thiện. Trong thời gian ở Pù Luông, 2 vị khách này chọn điểm lưu trú tại một bungalow của gia đình anh Hà Văn Thược ở bản Đôn, xã Thành Lâm. Từ đây, anh Matt và chị Julie được trải nghiệm ngắm phong cảnh thiên nhiên, được thưởng thức các món ẩm thực truyền thống dân bản, được trải nghiệm chế biến và thưởng thức rượu cần, hoà mình vào không gian văn hoá nhà sàn, văn hoá văn nghệ của người Thái…

Văn hóa truyền thống – Sản phẩm du lịch bền vững ở miền núi Thanh Hóa - Ảnh 6.

Anh Matt Lincoln, du khách đến từ bang Montana, Hoa Kỳ

Anh Matt Lincoln, du khách đến từ bang Montana, Hoa Kỳ chia sẻ: "Sự độc đáo của văn hoá bản địa là điều kỳ diệu khiến tôi rời bỏ không khí ồn ào của thành phố để về đây". Chị Julie Jezierski, du khách đến từ bang Montana, Hoa Kỳ cho biết: "Tôi rất tượng với thiên nhiên. Tiếp đến là văn hoá của người dân bản địa. Có rất nhiều sự khác biệt so với các thành phố tôi đã đi qua khi đến Việt Nam. Con người ở đây rất tốt bụng và thân thiện".

Văn hoá truyền thống bản địa là nét độc đáo thu hút khách du lịch khi về với các điểm du lịch ở miền núi Thanh Hoá. Chính nhờ có du lịch, nhiều giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số đã được khôi phục và phát huy một cách mạnh mẽ. Sự tác động qua lại giữa hai yếu tố này đã giúp cho đồng bào các dân tộc thiểu số xứ Thanh có cơ hội bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hoá tốt đẹp của cha ông đến với du khách trong và ngoài nước.

Văn hóa truyền thống – Sản phẩm du lịch bền vững ở miền núi Thanh Hóa - Ảnh 7.

Là một người khá nhạy bén trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch, chị Phạm Thị Tuyết, dân tộc Thái, ở bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hoá đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để chỉnh trang nhà sàn, khuôn viên; thành lập đội văn nghệ truyền thống bản Bút; hoàn thiện nhiều món ẩm thực truyền thống của dân tộc Thái huyện Quan Hoá… để đa dạng hoá sản phẩm du lịch cộng đồng.

Văn hóa truyền thống – Sản phẩm du lịch bền vững ở miền núi Thanh Hóa - Ảnh 8.

Bà Phạm Thị Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá

Bà Phạm Thị Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Huyện Quan Hoá là cái nôi của người Thái xứ Thanh, có rất nhiều nét văn hoá truyền thống độc đáo, đa dạng và phong phú. Trong thời gian qua, chúng tôi luôn coi trọng việc khôi phục và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp ấy trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chúng tôi có các di tích lịch sử cấp quốc gia, như hang Co Phương; nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như hang Phi… Đặc biệt, là các nét văn hoá truyền thống của các dân tộc bản địa từ lễ hội mường Ca Da, đến các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể khác. Trong nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ huyện, chúng tôi luôn có Nghị quyết và Chương trình hành động để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, gía trị cốt lõi chính là văn hoá".

Văn hóa truyền thống – Sản phẩm du lịch bền vững ở miền núi Thanh Hóa - Ảnh 9.

Du lịch văn hóa đang trở thành xu thế chủ đạo trong việc phát triển của ngành du lịch ở miền núi, nói riêng và của tỉnh Thanh Hoá, nói chung. Đối với một tỉnh giàu tiềm năng di sản như Thanh Hoá, sự nhận thức đúng về mối quan hệ giữa di sản văn hóa và hoạt động du lịch sẽ tạo nên sự tương tác tích cực giữa bảo tồn và phát triển, văn hóa và du lịch trong phát triển bền vững. Khai thác và phát huy di sản văn hóa, nói chung, văn hoá bản địa dân tộc thiểu số, nói chung phải được coi là một nguồn tài nguyên tạo nền móng cho hoạt động du lịch phát triển bền vững trong tương lai.



Nguồn: Chuyên mục Sắc màu các dân tộc xứ Thanh