Vệ sinh khử trùng, tiêu độc để phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Để tăng cường phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm trong vụ Đông Xuân, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi đang được chính quyền địa phương và hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện. Đây được xem là một trong những giải pháp phòng bệnh hiệu quả trên đàn gia súc, gia cầm.

Sau đợt mưa lũ vừa qua, do môi trường bị ô nhiễm, đàn vật nuôi có nguy cơ dễ bị dịch bệnh phát sinh và lây lan. Để ngăn ngừa dịch bệnh nhất là dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng và viêm da nổi cục trâu, bò, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hướng dẫn hộ chăn nuôi chủ động dùng vôi bột, hóa chất để phun, rắc xung quanh chuồng trại. Cùng với đó, đôn đốc các hộ dân làm vệ sinh tiêu độc khử trùng tại những điểm có nguy cơ cao để tiêu diệt các mầm bệnh. Ông Bùi Đức Thành, tổ dân phố Phong Lượng, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương cho biết: "Đối với trại chăn nuôi lớn, phải thường xuyên định kỳ riêng tiêu độc khử trùng, ít nhất 1 tuần phải làm 1 lần, thời điểm các nơi đã có dịch mình phải thực hiện 2 ngày 1 lần cả bên trong và bên ngoài chuồng trại, rắc vôi đường đi lối lại".

Vệ sinh khử trùng, tiêu độc để phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm - Ảnh 2.

Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 24,7 triệu con. Từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, không xảy ra ổ dịch nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm giao mùa, độ ẩm không khí tăng cao, sức đề kháng của vật nuôi giảm, nguy cơ nhiễm bệnh và khả năng bùng phát dịch từ nay đến cuối năm rất cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương, tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm chủ động mua vôi bột, hóa chất để phun, rắc xung quanh chuồng trại nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. 

Vệ sinh khử trùng, tiêu độc để phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm - Ảnh 3.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phân bổ 15.000 lít hóa chất sát trùng do Trung ương hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố để tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng, tại khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, các vùng bị ảnh hưởng nặng nề sau mưa lũ, vùng dịch cũ, các chốt kiểm dịch, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, khu vực chợ buôn bán sản phẩm tươi sống nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan. Bà Lê Thị Ngân, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quảng Xương khuyến cáo: "Bà con luôn chú ý công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi đảm bảo công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng luôn đảm bảo, đặt lên hàng đầu, nhất là trong mùa mưa bão, bà con luôn phải chú ý khâu chăm sóc, nuôi dưỡng vệ sinh chuồng trại và khơi thông cống rãnh".

Vệ sinh khử trùng, tiêu độc để phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm - Ảnh 4.

Việc tiêu độc khử trùng được coi là giải pháp quan trọng ngăn ngừa xâm nhiễm, phát sinh dịch bệnh. Tuy nhiên, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan và bùng phát nhất là thời điểm trước, trong, và sau Tết Nguyên đán sắp tới, chính quyền các địa phương và các hộ chăn nuôi cần thực hiện đồng bộ, nghiêm ngặt các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, đồng thời tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, kiểm soát chặt việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.


Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 30.10