Viện Nông nghiệp Thanh Hóa: Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong những năm qua Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thực hiện đề án "Nuôi Bảo tồn nguồn gen cá Lăng chấm và cá Ngạnh ông", tháng 5 năm 2022, Trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm và dịch vụ vật nuôi thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa phối hợp với Công ty cổ phần giống thủy sản Thanh Hóa đã đưa 50 con cá lăng chấm bố mẹ và 300 con cá ngạnh sông bố mẹ vào nuôi thử nghiệm tại trại sản xuất giống cá xã Thiệu Chính huyện Thiệu Hóa. Sau 7 tháng, Trung tâm đã nhân được 5 nghìn con cá ngạnh sông, tỷ lệ sống cá ngạnh sông đạt là 90% và cá lăng đạt 84%. Dự kiến tháng 2 năm 2023 bắt đầu cho cá lăng chấm đẻ thử.

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa: Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất - Ảnh 2.

Còn đây là mô hình Dự án "Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm Ngao dầu" nước mặn tại xã Hoằng Thanh huyện Hoằng Hóa được Trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm và dịch vụ vật nuôi thuộc Viện Nông nghiệp Thanh Hóa bắt đầu triển khai từ năm 2021. Ban đầu, Trung tâm đưa vào ao nuôi 300 kg ngao giống. Trong quá trình nuôi, Trung tâm đã nhân được 14 triệu con giống. Hiện, Trung tâm đang ương giống ngao cấp 1, cấp 2 để đưa ra môi trường nuôi thương phẩm. Theo đánh giá, ngao dầu là giống ngao đem lại hiệu quả kinh tế cao và nhiều chất dinh dưỡng.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2011 đến nay, các trung tâm, phòng chuyên môn trực thuộc Viện nông nghiệp Thanh Hóa đã thực hiện 62 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp. Riêng năm 2022, Viện nông nghiệp đã thực hiện 27 nhiệm vụ KH&CN các cấp. Để đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, Viện nông nghiệp Thanh Hóa tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu, phối hợp tốt với các Cơ quan nghiên cứu đầu ngành để tiếp cận đưa tiến bộ khoa học về ứng dụng trên địa bàn, góp phần làm thay đổi nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa: Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất - Ảnh 3.

Hiện nay, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đang ứng dụng hiệu quả công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất giống cây lâm nghiệp, nấm linh chi, nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ, đông trùng hạ thảo; nhân giống một số giống hoa lily, hoa hồng, lan kim tuyến….Chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa thuần các giống: Q5, KC90, KD 18, Hương Thơm, nếp N97; hạt giống lúa F1, các giống lúa lai 2 dòng VL20, TH3-3, Thanh Ưu 3, Thanh Ưu 4.

Ngoài ứng dụng, chuyển giao trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cũng được Viện Nông nghiệp Thanh Hóa quan tâm đầu tư hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới kết hợp với ứng dụng công nghệ số để điều khiển tự động hoặc bán tự động trong việc quản lý và chăm sóc cây trồng.

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa: Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất - Ảnh 4.

Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã phát huy tốt vai trò trong hoạt động khoa học và công nghệ, từ việc nghiên cứu chọn, tạo giống và nhân giống cây trồng, vật nuôi; đến quá trình chuyển giao kỹ thuật trong trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Nguồn: Bản tin THNM ngày 25/1/2023