Việt Nam kiên định mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ quyền con người

11:43 - 31/01/2023

Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong đó xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, trên các diễn đàn mạng xã hội, các đối tượng thù địch vẫn luôn rình rập chống phá, cố tình vu cáo Việt Nam "không có dân chủ, không có nhân quyền". Những luận điệu xuyên tạc, sai trái như vậy cần phải bị vạch trần và kiên quyết đấu tranh phản bác.

Trên mạng internet, một tổ chức tự xưng là "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam" đã vu cáo: Việt Nam vi phạm quyền con người, bắt và giam giữ tùy tiện gần 300 tù nhân lương tâm. Nhưng thực chất, những kẻ bị bắt đều là đối tượng vi phạm pháp luật, gây rối xã hội, xâm phạm an ninh quốc gia. Hay mới đây, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trong đó có quy định cấm hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý; các đối tượng phản động đã lợi dụng điều này để xuyên tạc Việt Nam đang vi phạm quyền con người, vi phạm quyền tự do ngôn luận... Trong khi sự thực là quy định này được thông qua nhằm bảo vệ quyền riêng tư của mọi công dân.

Việt Nam kiên định mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ quyền con người - Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Long, Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Ông Phạm Văn Long, Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết các phiên tòa được xét xử công khai, trừ những phiên tòa liên quan đến bí mật nhà nước.Việc tác nghiệp báo chí hay ghi âm ghi hình tại phiên tòa không phải bị cấm mà phải tuân theo quy định của phiên tòa, và phải được sự đồng ý của những người được ghi âm ghi hình. Điều này nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo quyền riêng tư về hình ảnh cá nhân của mỗi người. Như vậy pháp lệnh đã bảo vệ quyền con người ở một mức độ cao hơn.

Bảo đảm quyền con người luôn được Việt Nam xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu, là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu". Đến nay, Việt Nam đã xây dựng và không ngừng hoàn thiện khung pháp lý để bảo đảm quyền con người của công dân.

Bà Lê Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết từ khi thành lập nước đến nay, ngay Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến hiến pháp 2013, đều đưa quyền con người lên hàng đầu. Sau đó, các luật đã cụ thể hóa quyền con người trên các lĩnh vực: hình sự, dân sự, tố tụng, bầu cử, hành chính... Đặc biệt pháp luật Việt Nam rất quan tâm bảo vệ đối tượng yếm thế như trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật. Ngay cả người bị hạn chế quyền công dân như bị can bị cáo cũng được bảo vệ quyền con người cơ bản nhất.

Việt Nam kiên định mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ quyền con người - Ảnh 3.

Kết quả trong việc thực thi pháp luật về quyền con người còn được thể hiện thông qua việc Nhà nước triển khai nhiều chương trình kinh tế - xã hội lớn, nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng thụ hưởng các quyền con người của mọi người dân. Trong đó, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ với một chiến lược rõ ràng và phù hợp với thực tiễn quốc gia. Phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế và có nhiều cơ hội để có việc làm tốt, mang lại thu nhập cao hơn. Chị Nguyễn Thị Mai, Phó Bí thư Đoàn khối Cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết : "Các cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm đến đoàn viên thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên được tham gia góp sức, góp tiếng nói của mình trong sự phát triển của quê hương đất nước, đặc biệt là đối thoại lắng nghe ý kiến của thanh niên. Tôi nghĩ đấy chính là sự đảm bảo quyền con người, quyền của mọi tầng lớp Nhân dân".

Việt Nam kiên định mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ quyền con người - Ảnh 4.

Không chỉ đạt được những thành tựu đáng kể về đảm bảo quyền con người ở trong nước, Việt Nam cũng nỗ lực đóng góp vào việc thúc đẩy quyền con người trên toàn cầu. Trong hợp tác quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, Việt Nam tham gia hầu hết các công ước quốc tế cơ bản, quan trọng nhất về quyền con người. Những công ước này đều được luật hóa trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, mới đây Việt Nam được tín nhiệm bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là sự công nhận vị thế của Việt Nam, thể hiện tín nhiệm quốc tế trước các đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam với các cơ chế của Liên Hợp Quốc.

Đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, với tinh thần là đối tác tin cậy, thành viên tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước, đóng góp thực chất vào việc thúc đẩy quyền con người, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, tháng 9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam. Điều này cho thấy, Việt Nam không chỉ xây dựng một nền móng pháp lý hoàn thiện để bảo vệ công dân, mà còn nỗ lực tuyên truyền rộng rãi để mỗi công dân có thể hiểu rõ, hiểu đúng về quyền và trách nhiệm của bản thân, từ đó có hành động đúng để góp phần làm cho quyền con người của bản thân mình và mọi người trong xã hội đều được đảm bảo một cách thực chất.

Nguồn: Chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngày 30.1.2023