Vốn tín dụng chính sách góp phần phục hồi kinh tế

08:40 - 12/01/2023

Thời gian qua, Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã tập trung giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết 11 của Chính phủ. Qua đó góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Gia đình chị Trịnh Thị Lan, ở thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh vừa được giải ngân 100 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm và được hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Có vốn, chị đầu tư chăn nuôi dê, lợn. Nguồn vốn vay được giải ngân ngay trước Tết âm lịch cũng giúp gia đình chị khôi phục, mở lại hệ thống cửa hàng tiêu thụ thực phẩm trong dịp Tết.

Chị Trịnh Thị Lan, Thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Ngân hàng hỗ trợ về hỗ trợ làm thủ tục nhanh chóng, thuận lợi, và giảm lãi 2%, nguồn vốn này rất thiết thực, nó cũng tạo điều kiện để cho gia đình phát triển về chăn nuôi, sản xuất."




Vốn tín dụng chính sách góp phần phục hồi kinh tế - Ảnh 3.

Vốn tín dụng chính sách góp phần phục hồi kinh tế - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Phòng đã tích cực triển khai cho vay các chương trình theo nghị quyết 11 đảm bảo đúng đối tượng, nhanh chóng kịp thời, đến nay, chúng tôi đã triển khai cho vay được 9 căn nhà ở xã hội với số tiền 3,5 tỷ đồng, cho vay gần 250 học sinh sinh viên mua máy tính và có gần 100 lao động được vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 7 tỷ đồng."

Theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội được giao triển khai thực hiện 5 chương trình tín dụng ưu đãi trong thời gian từ năm 2022 đến hết năm 2023 gồm: cho vay hỗ trợ việc làm; cho vay nhà ở xã hội; cho học sinh, sinh viên vay để mua máy tính, thiết bị học tập; cho vay Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, và cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Xác định nguồn vốn tín dụng là "trợ lực" để khôi phục và phát triển kinh tế, ngân hàng chính sách xã hội Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu vay vốn, giải ngân kịp thời, đúng đối tượng. Đến nay, ngân hàng đã giải ngân gần 430 tỷ đồng theo nghị quyết 11 của Chính phủ, giúp các hộ nghèo, đối tượng chính sách giảm bớt khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Vốn tín dụng chính sách góp phần phục hồi kinh tế - Ảnh 5.

Vốn tín dụng chính sách góp phần phục hồi kinh tế - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Năm 2023, ngân hàng tiếp tục phối hợp tuyên truyền chủ trương chính sách của đảng nhà nước về thực hiện nghị quyết 11, rà soát tập trung cho vay đúng đối tượng và kiểm tra sau cho vay đảm bảo hiệu quả nhất."

Qua rà soát, tổng nhu cầu vay vốn đối với chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là hơn 3.200 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, hiện nay, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam quan tâm, bổ sung thêm nguồn vốn. Đồng thời tham mưu cho tỉnh tiếp tục dành nguồn ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội.


Nguồn: Bản tin THNM ngày 12/1/2023