Vốn tín dụng chính sách tiếp sức cho hộ gia đình và thương nhân vùng khó khăn

20:15 - 05/07/2023

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đã và đang mang đến nhiều cơ hội thoát nghèo, tiếp sức để người dân vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Nằm ở huyện vùng cao Bá Thước, xã Ái Thượng hiện có 3 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Hơn 85% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số,  kinh tế kém phát triển, tỷ lệ hộ nghèo tới hơn 35%. Ngay khi có chương trình chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ vùng khó khăn, lãnh đạo địa phương đã phối hợp với cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bá Thước trực tiếp xuống từng hộ dân, tư vấn, tuyên truyền các chương trình cho vay. Đồng thời hỗ trợ người dân làm hồ sơ thủ tục hồ sơ vay vốn. Đến nay, toàn xã có hơn 600 hộ đang vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, tổng dư nợ hơn 34,4 tỷ đồng, trong đó có 105 hộ gia đình tại thôn đặc biệt khó khăn đang vay vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh. 

Vốn tín dụng chính sách tiếp sức cho hộ gia đình và thương nhân vùng khó khăn - Ảnh 2.

Bà Trương Thị Ển, Xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Ngân hàng chính sách cho vay vốn vùng khó khăn, chúng tôi đã vay 40 triệu về mua 2 con trâu, từ đó giờ trâu sinh sản mỗi năm bán một lứa, giờ kinh tế đã thoát nghèo, kinh tế gia đình cố gắng phát triển kinh tế bền vững hơn". 

Vốn tín dụng chính sách tiếp sức cho hộ gia đình và thương nhân vùng khó khăn - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Đức Lục, Chủ tịch UBND xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá

Ông Nguyễn Đức Lục, Chủ tịch UBND xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Thực hiện các chương trình cho vay ngân hàng, các hộ dân đều sử dụng đúng mục đích, đầu tư phát triển kinh tế góp phần giảm nghèo hàng năm,  góp phần giúp xã về đích nông thôn mới dự kiến trong năm 2023".      

Đến cuối tháng 6/2023, tổng dư nợ chương trình tín dụng cho vay đối với các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đạt hơn 1000 tỷ đồng, với khoảng 23.500 khách hàng đang vay vốn. Theo quyết định số 17/2023 ngày 05/6/2023 của Chính phủ, từ ngày 08/08/2023 tới đây, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn sẽ được vay vốn tín dụng chính sách với mức vay tối đa không phải thế chấp là 100 triệu đồng; đối với tổ chức kinh tế được vay vốn mức tối đa là 1 tỷ đồng; mức lãi suất ưu đãi 9%/năm. Ngoài ra, đối tượng được vay vốn được mở rộng thêm các hộ gia đình sản xuất kinh doanh và thương nhân đang cư trú tại các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc điều chỉnh tăng mức cho vay, giảm lãi suất, mở rộng đối tượng sẽ góp phần quan trọng để các hộ dân và thương nhân vùng khó khăn có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. 

Vốn tín dụng chính sách tiếp sức cho hộ gia đình và thương nhân vùng khó khăn - Ảnh 4.

Vốn tín dụng chính sách tiếp sức cho hộ gia đình và thương nhân vùng khó khăn - Ảnh 5.

Ông Hà Minh Đứng, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn cựu chiến binh thôn Tiến Thành, xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Chủ trương nhà nước mở rộng vốn vay vùng khó khăn, nhân dân rất phấn khởi, tới đây nhu cầu của nhân dân rất nhiều, nên mong triển khai thực hiện sớm để người dân tiếp cận vốn giải quyết công ăn việc làm".

Vốn tín dụng chính sách tiếp sức cho hộ gia đình và thương nhân vùng khó khăn - Ảnh 6.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá

Ông Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Ngân hàng đã thông tin tuyên truyền về mức vay mới và triển khai rà soát đối tượng, nhu cầu vay vốn đến từng hộ dân từ đó căn cứ xin bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân".          

Tỉnh Thanh Hoá hiện có 318 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhu cầu nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển kinh tế xã hội là rất lớn. Thời gian tới, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thanh Hoá sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ người dân và các thương nhân tại vùng khó khăn có điều kiện để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 05/07/2023