WHO chưa xem dịch Ebola là tình trạng nguy cấp toàn cầu

16:02 - 15/06/2019

Sau nhiều giờ tranh luận, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quyết định chưa xem dịch Ebola bùng phát tại Congo và một số nước lân cận là "tình trạng y tế khẩn cấp tầm toàn cầu".

Theo hãng tin AFP, sau cuộc họp khẩn tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 14-6, các chuyên gia của WHO cho rằng đợt dịch tại CHDC Congo và Uganda hiện nay vẫn chưa đáp ứng tất cả các tiêu chí để phát đi Cảnh báo quốc tế về sức khoẻ cộng đồng (PHEIC).

Một khi có cảnh báo toàn cầu thì yêu cầu có các phản ứng mang cấp độ phối hợp toàn cầu để chống dịch.

Trong cuộc họp của Ủy ban các quy định khẩn cấp về sức khoẻ quốc tế của WHO, bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc của WHO, cho biết tổ chức này bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình dịch Ebola đang bùng phát tại CHDC Congo và đang lây lan ở Uganda.

Các chuyên gia chỉ ghi nhận đợt dịch hiện nay là "tình trạng khẩn cấp về y tế với CHDC Congo và các nước xung quanh".

Nhân viên y tế tiếp nhận người vào xét nghiệm virus Ebola tại Mpondwe, điểm biên giới giữa Uganda và CHDC Congo vào ngày 13-6-2019 - Ảnh: AFP
Nhân viên y tế tiếp nhận người vào xét nghiệm virus Ebola tại Mpondwe, điểm biên giới giữa Uganda và CHDC Congo vào ngày 13-6-2019 - Ảnh: AFP

Đây là cuộc họp thứ 3 của Ủy ban kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 8-2018 tại CHDC Congo. Hai lần trước đây được tổ chức vào tháng 10-2018 và tháng 4-2019.

Mặc dù có một số xu hướng dịch tễ học tích cực, Ủy ban đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về diễn biến phức tạp của dịch bệnh khi có sự lan rộng và tái nhiễm ở các khu vực như Mabalako, nơi có tình hình an ninh phức tạp do nội chiến.

Hôm 10-6, Bộ Y tế CHDC Congo cho biết đến nay đã xác nhận 2.062 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 1.390 trường hợp đã tử vong.

Tình hình dập dịch cũng bị trở ngại do công tác đối phó với dịch bệnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi thiếu hụt về nguồn kinh phí cũng như nhân lực.

Tại cuộc họp báo tổ chức vào tối muộn ngày 14-6, ông Preben Aavitsland - Chủ tịch Ủy ban các quy định khẩn cấp về sức khoẻ quốc tế, cho biết họ vẫn chưa nhận được 54 triệu USD tiền hứa đóng góp cho chiến dịch ngăn chận dịch để có thể tiếp tục công việc trong tháng tới.

Các nhân viên thuộc Tổ chức Chữ thập Đỏ của CHDC Congo được tẩy trùng trước khi vào xử lý ở vùng dịch - Ảnh: AFP
Các nhân viên thuộc Tổ chức Chữ thập Đỏ của CHDC Congo được tẩy trùng trước khi vào xử lý ở vùng dịch - Ảnh: AFP

Đáng lo là từ ngày 11-6, tại Uganda - nước láng giềng của CHDC Congo, cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên và đến nay đã có 2 bệnh nhân tử vong vì virus này.

Uganda đã phối hợp với WHO để có phản ứng nhanh và kịp thời ban đầu để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. WHO đánh giá cao sự phối hợp giữa CHDC Congo và Uganda.

Bộ Y tế Uganda, cùng WHO và Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch, cũng đã cử một đội phản ứng nhanh tới Kasese để hỗ trợ các nhóm khác đang hoạt động tại hiện trường để tiếp tục xử lý và kiểm soát bệnh dịch. 

Dự kiến, các bên liên quan cũng sẽ tiến hành tiêm vắc-xin đối với những người từng tiếp xúc với trường hợp nhiễm bệnh và cả những nhân viên y tế tuyến đầu chưa tiêm vắc-xin cũng như những người khác bắt đầu từ ngày 14-6.

Ủy ban các quy định khẩn cấp về sức khỏe quốc tế kêu gọi CHDC Congo tiếp tục đẩy mạnh và cải thiện công tác sàng lọc các trường hợp mắc bệnh Ebola xuyên biên giới, đồng thời khuyến nghị các nước có nguy cơ cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với các vụ việc tương tự như ở Uganda.

WHO cũng đề nghị các nước tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là tại khu vực biên giới, nơi thường xuyên có sự luân chuyển của người dân, vào công tác phòng ngừa dịch bệnh lây lan.

Theo WHO, Ebola là căn bệnh do virus gây ra với các triệu chứng ban đầu như: sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài. 

Căn bệnh này lây nhiễm thông qua tiếp xúc gần gũi với động vật bị nhiễm bệnh. Tiếp đó, virus sẽ lây lan từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng nhiễm bệnh, hay lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm. 

Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần và rất khó để chẩn đoán bệnh.

Theo Tuổi Trẻ Online