WHO kêu gọi châu Âu đầu tư nghiên cứu về hội chứng COVID kéo dài

07:19 - 15/09/2022

Ngày 13/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước châu Âu coi trọng hội chứng COVID kéo dài -trong bối cảnh ít nhất 17 triệu người ở khu vực châu Âu đã trải qua hội chứng này trong 2 năm đầu tiên của đại dịch COVID-19.

Trong một tuyên bố, người phụ trách khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge nêu rõ: "Chính phủ và các đối tác y tế phải hợp tác để tìm ra giải pháp (cho hội chứng COVID kéo dài) dựa trên hoạt động nghiên cứu và bằng chứng".

Với dự báo hàng triệu người ở châu Âu có thể mắc hội chứng COVID kéo dài trong những năm tới, WHO kêu gọi các nước trong khu vực chú ý tới hội chứng hậu COVID-19 này, bằng cách gấp rút đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và hồi phục sức khỏe liên quan tới hội chứng này.

Theo kết quả một nghiên cứu quốc tế mới đây do Viện Đo lường và Đánh giá Y tế (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) thực hiện trong năm 2020 và 2021, số ca mới mắc hội chứng COVID kéo dài từ năm 2020 - 2021 đã tăng 307% do số ca mắc COVID-19 gia tăng từ cuối năm 2020 cho đến hết năm 2021. Nghiên cứu cho thấy, nữ giới mắc hội chứng COVID kéo dài nhiều hơn 2 lần so với nam giới. Ngoài ra, trong số các ca mắc COVID-19 thể nặng cần nhập viện, cứ trong 3 nữ có 1 người mắc COVID kéo dài, trong khi tỉ lệ này ở nam giới là 1/5.

Theo ông Kluge, các nước trong khu vực châu Âu cần phải thừa nhận rằng hội chứng COVID kéo dài là một vấn đề nghiêm trọng, gây ra hậu quả nghiêm trọng và do vậy, các nước châu Âu cần ứng phó nghiêm túc để ngăn chặn hội chứng này.

WHO định nghĩa hội chứng COVID kéo dài là một loạt các triệu chứng trong thời gian dài mà một số người đã trải qua sau khi mắc COVID-19. Những người mắc COVID kéo dài có thể gặp các vấn đề về thể lực lẫn trí lực, với các triệu chứng xảy ra trong khoảng thời gian khác nhau, như mệt mỏi, khó thở, bất thường về tim mạch, chứng đau nửa đầu, não "sương mù", trầm cảm và lo lắng,...

Tại Châu Á, Nhật Bản đặt mục tiêu dỡ bỏ giới hạn lượng du khách nhập cảnh hàng ngày vào cuối tháng 10 tới, trong bối cảnh đất nước "Mặt trời mọc" đang tìm cách vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19 làm vắng bóng khách du lịch.

Ngoài việc dỡ bỏ giới hạn lượng người nhập cảnh, hiện ở mức 50.000 người/ngày, Chính phủ Nhật Bản dự kiến thảo luận việc cho phép du khách nước ngoài du lịch mà không cần hướng dẫn viên.

Đối với du lịch nội địa, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét khởi động lại chương trình trợ cấp trên toàn quốc, sớm nhất là vào cuối tháng 9 này, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 đang có xu hướng giảm. Mỗi người du lịch được hỗ trợ 11.000 Yen (77 USD) cho một đêm lưu trú. Điều kiện được nhận hỗ trợ theo chương trình này là phải tiêm ít nhất 3 mũi vaccine ngừa COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Giới chức y tế Hàn Quốc cảnh báo, nước này cần sẵn sàng cho kịch bản phải chống đỡ "nguy cơ kép", khi đợt bùng phát dịch COVID-19 có thể xảy ra cùng lúc với dịch cúm mùa vào mùa thu - đông năm nay. Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, trong khoảng thời gian từ ngày 28-8 đến ngày 3-9 vừa qua, cứ 1.000 bệnh nhân điều trị ngoại trú thì có tới 4,7 người có các triệu chứng của cúm mùa, tăng so với 4 tuần trước đó.

Các chuyên gia y tế cho rằng, khi kịch bản này xảy ra, cần phải có một quy trình từ đầu đến cuối, để sẵn sàng phát hiện và điều trị bệnh, cũng như cân nhắc triển khai xét nghiệm PCR để xác định đồng thời bệnh cúm và COVID-19. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề nghị cơ quan chức năng lên kế hoạch tiêm chủng cả vaccine phòng COVID-19 và cúm mùa cùng lúc.

Nguồn: Bản tin Thời sự THNM 15/9