Xã Đông Hoàng phát triển nghề trồng hoa cây cảnh phục vụ Tết
Thay vì sản xuất những cây trồng truyền thống, những năm gần đây, một số hộ dân trên địa bàn xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn đã chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh, mang lại giá trị thu nhập cao.
Gia đình ông Lê Thanh Long, ở thôn Thọ Phật, xã Đông Hoàng có 5,5 ha đất sản xuất. Chọn trồng hoa, cây cảnh làm hướng phát triển kinh tế của gia đình, ông đã học hỏi kỹ thuật trồng các loại cây cảnh bán vào dịp Tết. Năm nay, ông dự kiến sẽ bán khoảng 2000 cây cảnh gồm: quất, đào và bưởi. Giá bán tại vườn trung bình dao động 400-600 nghìn đồng 1 cây, một số loại cây được trồng chăm sóc nhiều năm có giá vài triệu đồng. Từ trước Tết Nguyên đán 1 tháng, đã có nhiều thương lái đến đặt mua tại vườn. Dự kiến, Tết năm nay gia đình ông sẽ thu nhập hơn 1 tỷ đồng từ bán cây cảnh.

Khu vực trồng cây cảnh của gia đình ông Lê Thanh Long, ở thôn Thọ Phật, xã Đông Hoàng.
Ông Lê Thanh Long, thôn Thọ Phật, xã Đông Hòang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Để nâng cao thu nhập từ nghề cây cảnh, mình phải chịu khó học hỏi thêm nhiều cái, mới lạ; đáp ứng nhu cầu của khách, tăng thêm thu nhập. Vì vậy, chúng tôi phải học hỏi, đầu tư cả về thời gian và vật chất".
Xã Đông Hòang, huyện Đông Sơn có trên 200 ha đất nông nghiệp, trước đây chủ yếu sản xuất lúa, ngô, rau màu… Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, cùng với rà soát lại đất đai, quy hoạch các vùng sản xuất, hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xã đã khuyến khích các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các mô hình hiệu sản xuất mang lại gia trị thu nhập cao. Trong đó, riêng diện tích trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả của xã đạt khoảng 30 ha.

Trong quá trình trồng và chăm sóc cây, các hộ đã chịu khó học tập kinh nghiệm của các hộ trồng đào, quất tại các tỉnh, thành phố; nghiên cứu qua mạng Internet, qua sách báo để chủ động tạo ra các cây cảnh chơi Tết với nhiều dáng thế đẹp, có giá trị cao. Một số hộ mua đào gốc to tại Sơn La về ghép và chăm sóc để cho hoa đúng dịp Tết, đáp ứng nhu cầu đa dạng khách hàng. Diện tích trồng hoa, cây cảnh của xã Đông Hoàng đều đạt giá trị thu nhập từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng 1 hecta 1 năm. Vào những ngày giáp Tết, nơi đây cũng là địa quen thuộc địa chỉ quen thuộc của nhiều thương lái, người dân đến mua đào quất và đây cũng là thời điểm người dân gặt hái thành quả sau một năm lao động miệt mài.

Bà Nguyễn Thị Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Bà Nguyễn Thị Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chính quyền địa phương cũng đang vận động Nhân dân tích tụ các xứ đồng, hàng năm chuyển đổi 8-10 ha sang cây trồng mới. Xã cũng tạo điều kiện liên kết với các công ty về để tuyên truyền, trao đổi kỹ thuật các mô hình để tạo điểm nhấn cho sự phát triển".
Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nghề hoa, cây cảnh, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đông Hoàng đã có nguồn thu nhập khá. Cùng với tiếp tục nhân rộng các mô hình này, xã Đông Hoàng cũng đang khuyến khích người dân trồng dược liệu gắn với chế biến, nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.