Xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương: Nâng cao giá trị nghề dệt chiếu cói

07:31 - 25/01/2024

Xã Quảng Trường là một trong những địa phương nổi tiếng với nghề dệt chiếu cói truyền thống của tỉnh Thanh Hóa. Thay vì dệt chiếu thủ công truyền thống, những năm gần đây, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện khuyến khích các hộ đầu tư máy móc, nâng cao năng suất và giá trị kinh tế; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Với quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại, năm 2005, gia đình ông Phạm Văn Dũng ở thôn Châu Sơn đã vay vốn ngân hàng mua máy dệt chiếu, mở rộng nhà xưởng. Đồng thời, thành lập Công ty TNHH Dũng Châu chuyên mua bán, sản xuất chiếu cói và lắp đặt máy dệt chiếu.

Xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương: Nâng cao giá trị nghề dệt chiếu cói- Ảnh 1.

Nếu như trước đây, sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, mỗi ngày chỉ làm được hơn 10 đôi chiếu, khi chuyển sang làm máy, công suất mỗi máy dệt được từ 35 đến 40 đôi, tăng gấp 4 lần. Trung bình mỗi năm, doanh thu của công ty đạt gần 5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động địa phương. Năm 2023, sản phẩm chiếu của công ty đã đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương: Nâng cao giá trị nghề dệt chiếu cói- Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dũng Châu

Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dũng Châu cho biết: "Sau khi sản phẩm dược công nhận OCOP 4 sao, công ty sẽ tăng cường sản xuất nâng cao chất lượng, cố gắng duy trì sản phẩm đạt hiệu quả tốt, cố gắng làm sản phẩm bền đẹp để vươn ra thị trường nước ngoài".

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất chiếu, xã Quảng Trường đã vận động Nhân dân chuyển đổi những diện tích cấy lúa năng suất thấp sang trồng cói; thực hiện đổi điền dồn thửa để thâm canh cây cói. Đến nay, xã đã quy hoạch được gần 10 ha đất trồng cói, cho sản lượng đạt trên 700 tấn/năm. Bên cạnh đó, xã Quảng Trường còn giao cho các đoàn thể đứng ra tín chấp ngân hàng, tạo điều kiện để các hộ được tiếp cận với các nguồn vốn vay đầu tư mua máy móc, mở rộng quy mô sản xuất.

Xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương: Nâng cao giá trị nghề dệt chiếu cói- Ảnh 3.

Hiện nay, cả xã có hơn 120 máy dệt chiếu, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 700 lao động địa phương. Để tạo thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều hộ dân đã chuyển sang làm chiếu chất lượng cao như: chiếu in màu, in hoa, chiếu đặt có giá thành cao hơn.

Xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương: Nâng cao giá trị nghề dệt chiếu cói- Ảnh 4.

Ông Ngô Sỹ Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương,tỉnh Thanh Hóa

Ông Ngô Sỹ Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Địa phương lâu nay vẫn rất quan tâm ngề sản xuất chiếu cói, nhiều hộ tham gia vào mô hình này, hiện nay các hộ phát triển rất tốt, thu nhập cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các lao động không đi làm ăn xa được lao động tại địa phương".

Nghề dệt chiếu phát triển đã góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 62 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,25 %. Xã Quảng Trường đang xây dựng kế hoạch phát triển nghề lâu dài, đưa nghề dệt chiếu cói trở thành nghề chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương: Nâng cao giá trị nghề dệt chiếu cói- Ảnh 5.

Nguồn: THNM 25/1/2024