Xã Thọ Diên phát triển nghề làm bánh gai Tứ Trụ

Xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hoá, có truyền thống yêu nước và cách mạng. Cũng từ lâu, nơi đây còn nổi tiếng bởi một thứ ẩm thực mang hương vị với sức hấp dẫn riêng không nơi nào sánh được, đó là Bánh Gai Tứ Trụ - một món ăn dân dã từng là đặc sản tiến vua. Hiện nay, xã Thọ Diên đang thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nghề làm bánh gai Tứ Trụ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Được cha ông truyền lại nghề làm bánh gai, cơ sở Lâm Thắm của gia đình anh Lê Hữu Lâm, thôn Thịnh Mỹ 2, xã Thọ Diên luôn quan tâm giữ vững chất lượng bánh và không ngừng phát triển thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bánh gai của gia đình anh không chỉ tiêu thụ trong huyện, trong tỉnh, mà còn xuất đi các tỉnh bạn và một số nước. 

Năm 2019, bánh gai Lâm Thắm đã được UBND tỉnh Thanh Hoá chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Hiện cơ sở duy trì và tạo việc làm thường xuyên cho từ 6 - 7 lao động với mức thu nhập tương đối ổn định.

Sản phẩm bánh gai Tứ Trụ có nguồn gốc ở làng Thịnh Mỹ (hay còn gọi là làng Mía), xã Thọ Diên từ thời Hậu Lê, thế kỷ thứ 15. Trước đây, loại bánh gai này được dâng lên tiến vua và chỉ được làm vào những ngày lễ, Tết, hay những dịp đặc biệt quan trọng.

Nguyên liệu chính để làm bánh gai bao gồm lá gai, gạo nếp, mật mía, đậu xanh, vừng, cùi dừa, lá chuối khô để gói bánh và lạt Giang chẻ mỏng đem nhuộm đỏ để làm dây buộc. Lá gai rửa sạch đem luộc, để ráo nước rồi giã thật nhuyễn (ngày nay, các hộ làm bánh sử dụng máy nghiền giúp giảm công lao động và bánh được mịn, mềm hơn). Gạo nếp (phải là loại nếp ngon - nếp cái hoa vàng) cho vào nước đãi sạch, nghiền thành bột, rồi trộn với lá gai đã nghiền nhỏ cùng mật mía, tạo thành thứ bột dẻo có mầu đen.

Xã Thọ Diên phát triển nghề làm bánh gai Tứ Trụ  - Ảnh 2.

Đậu xanh ngâm đãi sạch vỏ, nấu chín, gia giảm đường đủ ngọt, dầu chuối, va ni vừa đủ đem giã nhuyễn trộn với cùi dừa đã nạo. Ngoài nhân đậu xanh còn có nhân thịt nạc và hạt sen. Vừng rang vàng, xát sạch vỏ. Sau khi đã sơ chế xong thì nắm bột, dàn mỏng đều, tiếp đó cho nhân vào, ve tròn sao cho áo bên ngoài bọc thật kín nhân rồi rắc vừng đều, gói lại thật kín thành hình vuông. 

Cuối cùng là khâu hấp bánh (hay còn gọi là đồ bánh). Trước đây, mỗi hộ một ngày chỉ làm được vài trăm bánh. Thế nhưng ngày nay, nhờ máy móc hỗ trợ, một ngày mỗi hộ có thể làm tới vài nghìn chiếc bánh, góp phần giảm chi phí lao động và tăng thu nhập cho người làm bánh.

Xã Thọ Diên phát triển nghề làm bánh gai Tứ Trụ  - Ảnh 3.

Trải qua bao thăng trầm, hiện địa phương có gần 40 hộ thường xuyên sản xuất bánh gai, tạo việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động, ngoài ra còn có hàng trăm hộ sản xuất bánh theo thời vụ.

Để phát triển nghề làm bánh gai, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, xã Thọ Diên đã đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm; xây dựng hồ sơ đăng ký thương hiệu cho sản phẩm. Theo đó, thương hiệu và lo go "Bánh gai Tứ Trụ xã Thọ Diên" đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ... Đặc biệt, năm 2015 làng nghề bánh gai làng Thịnh Mỹ - Tứ Trụ - xã Thọ Diên đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định công nhận "Làng nghề bánh gai truyền thống". Năm 2020, làng nghề bánh gai Tứ  Trụ, xã Thọ Diên được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Đây là cơ sở, điều kiện thuận lợi để nghề làm bánh gai nơi đây tiếp tục phát triển, khẳng định vị thế.

Ông Lê Văn Chức, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân

Vị thơm ngọt, mang đậm nét truyền thống của bánh gai Làng Mía (Tứ Trụ), xã Thọ Diên tạo thêm hương vị ẩm thực đặc sắc của huyện Thọ Xuân nói riêng, xứ Thanh nói chung. Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự tích cực duy trì, tạo dựng thương hiệu của các hộ sản xuất bánh nơi đây, sản phẩm bánh gai ngày càng khẳng định vị thế, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Nguồn: Chuyên mục Trang địa phương ngày 3.11