Xây dựng chính quyền gần dân, sát dân

Chính quyền hành động thực sự là chính quyền biết lắng nghe dân, lấy Nhân dân làm đối tượng phục vụ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân để tìm ra tiếng nói chung trong công tác lãnh chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được khẳng định qua cảm nhận, đánh giá của người dân ở khắp các vùng miền trong tỉnh Thanh Hoá.

Ở xã Yên Thọ, huyện Như Thanh, công dân khi có chuyện vui như kết hôn, sinh con, chính quyền có thư chúc mừng, khi có chuyện buồn, có thư chia buồn, khi có đóng góp cho xã, có thư cảm ơn, và đặc biệt là khi chính quyền có sai sót với người dân sẽ có thư xin lỗi. Yên Thọ cũng là địa phương được xây dựng mô hình chuyển đổi số. Vì vậy, ở đây, "xã hội số" được chuyển động rõ rệt. Câu chuyện những người bí thư chi bộ, trưởng thôn ở tuổi "thất thập cổ lai hy" chủ động học hỏi, tiếp cận công nghệ thông tin để bắt nhịp xu thế và đáp ứng yêu cầu công việc trở nên phổ biến.

Xây dựng chính quyền gần dân, sát dân - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Chẩm - Bí thư chi bộ thôn Chẩm Khê, xã Yên Thọ, huyện Như Thanh: "Bây giờ người ta không gọi mình đi họp như trước, nên phải sử dụng điện thoại thông minh để truy cập và tiếp cận thông tin và triển khai kịp thời."

Ở nhiều địa phương trong tỉnh, theo từng điều kiện cụ thể, người dân được chính quyền đồng hành để hướng dẫn thực hiện các vấn có liên quan, hoặc cùng tham gia giải quyết. Tiêu biểu là trong thực hiện các cơ chế chính sách, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ sản xuất và đời sống, hay trong công tác giải phóng mặt bằng…

Chính quyền công khai, minh bạch thông tin, có trách nhiệm giải trình về những vấn đề dân chưa biết, chưa hiểu. Do đó, người dân nhiều địa phương đã chủ động tham gia vào quá trình hoạch định các chủ trương, chính sách, hoặc xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; rồi cùng với lãnh đạo triển khai thực hiện, xây dựng quê hương mình thành "nơi đáng sống".

Xây dựng chính quyền gần dân, sát dân - Ảnh 4.

Xây dựng chính quyền gần dân, sát dân - Ảnh 5.

Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi - Chuyên gia cao cấp, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội: "Đây là một trong những chỉ số thể hiện cải thiện về quản trị hành chính và cải cách thủ tục hành chính của một địa phương như là Thanh Hóa. Một tỉnh đất rộng, người đông quy mô dân số và lao động rất là lớn doanh nghiệp lớn và chúng ta làm được như thế này là một bước tiến trong quá trình cải cách thủ tục hành chính. Tôi cho rằng nếu chúng ta làm tốt vấn đề này đó chính là một trong những điều kiện để thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài."

Chính quyền gần dân, nghe dân, hiểu dân và vì dân. Đây không còn  là những khái niệm mơ hồ hay triết lý lớn lao, mà là những việc làm thực chất, cụ thể, đi vào lòng dân, được Nhân dân cảm phục. Đặc biệt, điều đó còn được khẳng định khi ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Thanh Hóa đã hiện thực hóa thành công mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI khi vươn lên đứng thứ 3 toàn quốc.

Có thể thấy, chỉ số đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của tỉnh Thanh Hoá đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người dân. Kết quả này sẽ là động lực quan trọng để tỉnh Thanh Hoá tiếp tục hiện thực hoá mục tiêu chỉ số Quản trị và hành chính công PAPI nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI trong cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo.

Nguồn: Thời sự tối 30/8/2022