Xây dựng thành phố du lịch Sầm Sơn văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa

20:49 - 25/10/2020

(TTV) - Ngày 31/12/2019, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, gồm: Núi Trường Lệ, Đền Độc Cước, Hòn Trống Mái, Đền Tô Hiến Thành, Đền Cô Tiên được Thủ tướng Chính Phủ ban hành quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự và là thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực của thành phố Sầm Sơn nói riêng và của tỉnh Thanh Hóa nói chung trong việc giữ gìn, phát huy giá trị các danh lam thắng cảnh, di tích trên địa bàn; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố tiếp tục xây dựng một không gian du lịch vừa văn minh, hiện đại, vừa đậm đà bản sắc văn hóa.

Tọa lạc trên hòn Cổ Giải, điểm đầu của dãy núi Trường Lệ, di tích Đền Độc Cước từ lâu là điểm đến yêu thích của hầu hết du khách trong mỗi lần về với Sầm Sơn.

Screenshot_3.jpg
Screenshot_3.jpg

Ngôi Đền gắn liền với truyền thuyết về chàng khồng lồ xẻ đôi thân mình, một nửa ra khơi tiêu diệt thuỷ quái, một nửa đứng canh trên hòn Cổ Giải, bảo vệ cho dân chài. Đến thăm Đền Độc Cước, du khách sẽ bước vào một không gian linh thiêng, trầm mặc, khác hẳn với sự sôi động, tấp nập của phố biển ngay dưới chân Đền. Đây cũng chính là điều làm nên sự độc đáo của du lịch Sầm Sơn.

 Bên cạnh những di tích gắn với những huyền thoại, di tích đền Tô Hiến Thành lại là nơi thể hiện sự ngưỡng vọng, biết ơn của người dân Sầm Sơn đối với bậc anh hùng, hào kiệt - Thái úy Tô Hiến Thành, một vị tướng giỏi và là vị quan thanh liêm, cương trực thời Lý.Trên dãy núi Trường Lệ, cùng với đền Độc Cước, hòn Trống Mái, đền Tô Hiến Thành, đền Cô Tiên... tạo thành phức hợp di sản, danh thắng độc đáo, giàu giá trị.

Ở đó có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp của non xanh, nước biếc với chiều sâu văn hóa, lịch sử hàng nghìn năm do con người tạo dựng nên. Quá trình chinh phục thiên nhiên, mở đất, lập làng nơi đầu sóng, ngọn gió đã tôi luyện nên những con người Sầm Sơn vừa can trường, sáng tạo, nghĩa tình, vừa lạc quan, yêu đời, yêu quê hương, đất nước. Trí tưởng tượng phong phú của Nhân dân lao động đã khoác vào thiên nhiên những câu chuyện lung linh sắc màu huyền thoại, làm cho cảnh vật có một đời sống mới. Đó là câu chuyện về người phụ nữ mang thai bị trận đại hồng thủy cuốn trôi ra cửa biển, sau khi dạt vào bờ, nằm lại mảnh đất này và nguyện làm con đê chắn sóng, để cản bớt những cơn thịnh nộ từ thiên nhiên, lý giải hình dáng mềm mại nhưng vững chãi trong tư thế vươn ra biển của dãy núi Trường Lệ. Đó là câu chuyện về tình yêu son sắt, thủy chung, bất tử của đôi vợ chồng nghèo làng biển tạc nên dáng hình hòn Trống Mái.

Đi về phía Tây Nam dãy núi Trường Lệ, du khách sẽ đến thăm đền Cô Tiên. Theo dân gian, đền thờ một người con gái làm nghề hái thuốc cứu nhân độ thế. Cũng có truyền thuyết cho rằng, người con gái ấy là hóa thân của Thánh mẫu Liễu Hạnh. Đền Cô Tiên còn là nơi lưu giữ kỷ niệm thiêng liêng của đất và người Sầm Sơn với Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Năm 1960, trong lần về thăm Thanh Hóa lần thứ 3, Người đã xuống thăm Sầm Sơn, kéo lưới cùng ngư dân xóm Vinh Sơn và nghỉ tại Đền Cô Tiên.

Hệ thống di tích dày đặc, phân bố đều ở khắp các xã, phường trên địa bàn cùng với các lễ hội dân gian đặc sắc đã tạo nên sự phong phú, đa dạng cho du lịch Sầm Sơn. Thời gian qua, thành phố đã quan tâm trùng tu, tôn tạo, quảng bá hình ảnh, đồng thời xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối giữa các di tích. Mục tiêu lớn nhất mà thành phố Sầm Sơn đang hướng tới là khai thác du lịch bốn mùa. Để đạt được mục tiêu này, việc thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới; khai thác, phát huy tốt giá trị của các di tích lịch sử, danh thắng cảnh, tạo ra những nét riêng độc đáo cho du lịch Sầm Sơn là những giải pháp trọng tâm mà thành phố đã và đang thực hiện. Nhờ vậy, thời gian qua, bộ mặt đô thị, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch của thành phố đã có sự phát triển bứt phá, ngoạn mục. Hàng loạt dự án lớn, tiêu biểu như Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC, Dự án cải tạo và nâng cấp tuyến đường Hồ Xuân Hương… hoàn thành đã tạo đà cho Sầm Sơn phát triển ngày càng hiện đại, văn minh. 5 năm qua, thành phố Sầm Sơn đón trên 23 triệu lượt khách, chiếm trên 50% lượng khách cả tỉnh đón được trong giai đoạn này và gấp 1,7 lần giai đoạn 2011-2015.  

Tới đây, khi dự án Quảng trường Biển – Tổ hợp Đô thị Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp biển Sầm Sơn được xây dựng và đưa vào khai thác sẽ tạo điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan và sản phẩm du lịch cho thành phố. Dự án sẽ là đòn bẩy để Sầm Sơn bứt phá, tiếp tục khẳng định thương hiệu, nâng tầm vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia và khu vực.

Theo Bản tin TS tối 25/10