Xây dựng thương hiệu cho nông sản Thanh Hóa

18:31 - 11/09/2022

Trên cơ sở xác định sản phẩm lợi thế, chủ lực và các sản phẩm đặc thù của địa phương, thời gian qua, các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa đã chú trọng đầu tư, xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm nông sản. Từ đó từng bước mở rông thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị thu nhập.

Xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm gạo đầu tiên là nếp cái hoa vàng Quý Hương vào năm 2019, đến nay, Công ty Cổ phần thương mại Sao Khuê đã có 11 sản phẩm gạo có đăng ký bảo hộ độc quyền, trong đó có 2 sản phẩm đạt OCOP. Hiện nay, mỗi vụ Công ty liên kết sản xuất từ 800-1000 ha lúa nguyên liệu, giúp bà con nông dân nâng cao giá trị trên 1 đơn vị diện tích từ 1,3 lần trở lên. Việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm gạo đã giúp cho doanh nghiệp này tăng thị phần tiêu thụ.

Xây dựng thương hiệu cho nông sản Thanh Hóa - Ảnh 2.

Ông Đỗ Thế Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Sao Khuê, huyện Đông Sơn cho biết:" Sản lượng gạo tăng dần lên các năm từ 15-20%, mở rộng ra các tỉnh, hướng tới sẽ xuất khẩu. Tôi thấy đây là hướng đi đúng và tiếp tục xây dựng thương hiệu thêm nhiều sản phẩm gạo của xứ Thanh".



Xây dựng thương hiệu cho nông sản Thanh Hóa - Ảnh 3.

Thanh Hóa hiện có 5 sản phẩm đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, 236 sản phẩm OCOP, trong đó, phần lớn là các sản phẩm nông sản. Để phát huy giá trị sản phẩm, Thanh Hóa tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân đổi mới, nâng cao quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm, chú trọng đầu tư xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản gắn với thế mạnh của từng vùng; từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, hướng đến thị trường xuất khẩu. Đây cùng là điều kiện để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.          

Nguồn: Bản tin 18h30 ngày 11/9/2022