Xây dựng thương hiệu Ocop cho sản phẩm mắm truyền thống

07:57 - 29/09/2023

Thanh Hóa là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nghề chế biến thủy sản, trong đó có nghề sản xuất nước mắm. Trên địa bàn tỉnh có nhiều làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống tồn tại từ lâu đời, là sinh kế của hàng nghìn lao động. Những năm gần đây, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều cơ sở sản xuất mắm truyền thống đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm gắn với xây dựng sản phẩm Ocop. Qua đó, giúp quảng bá thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm.

Được kế thừa nghề sản xuất nước mắm gia truyền từ ông cha, nhiều năm trước đây, gia đình bà Lê Thị Toan, phường Ninh Hải, thị xã Nghi Sơn chỉ sản xuất mắm nhỏ lẻ theo phương pháp truyền thống, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh. 

Xây dựng thương hiệu Ocop cho sản phẩm mắm truyền thống - Ảnh 2.

Thực hiện chủ trương của chính quyền địa phương về phát triển ngành nghề gắn với chương trình mỗi xã 1 sản phẩm Ocop, lại được tạo điều kiện về đất đai, gia đình bà Toan đã mạnh dạn thành lập Công ty Cổ phần nước mắm Tĩnh Gia, vay vốn ngân hàng để đầu tư xây dựng nhà xưởng, dây chuyền thiết bị, ứng dụng kỹ thuật mới vào chế biến nước mắm, mắm tôm, mắm tép; đồng thời quan tâm đổi mới mẫu mã, nhãn mác hàng hóa. 

Xây dựng thương hiệu Ocop cho sản phẩm mắm truyền thống - Ảnh 3.

Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm mắm Tĩnh Gia của gia đình bà đã được công nhận là hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn sản phẩm - thương hiệu an toàn vì sức khỏe cộng đồng, đạt chuẩn ISO 22000:2005. Năm 2020, công ty có sản phẩm nước mắm đạt Ocop 4 sao; 2 sản phẩm mắm tôm và mắm tép đạt 3 sao. Nhờ vậy, sản phẩm của công ty đã được tiêu thụ tại thị trường nhiều tỉnh thành trong cả nước,  doanh thu hàng năm đạt hơn 10 tỷ đồng.

Xây dựng thương hiệu Ocop cho sản phẩm mắm truyền thống - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Toan - Giám đốc công ty cổ phần nước mắm Tĩnh Gia, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Bà Lê Thị Toan - Giám đốc công ty cổ phần nước mắm Tĩnh Gia, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Khi chúng tôi nhận được sản phẩm Ocop, sự phát triển thị trường khác hẳn, vượt bậc. Sản phẩm  được mọi người tìm đến dễ dàng hơn, vào siêu thị dễ hơn. So với lúc trước chưa có Ocop thì sản lượng tăng so với mọi năm".

Hiện nay, thị xã Nghi Sơn có hơn 200 cơ sở và hàng trăm hộ gia đình sản xuất, chế biến mắm; trong đó có 1 làng nghề sản xuất nước mắm Do Xuyên - Ba Làng được công nhận và phát triển nhãn hiệu tập thể; 11 sản phẩm nước mắm, mắm tôm, mắm tép đã đạt Ocop 3 đến 4 sao.

Ngoài thị xã Nghi Sơn, các huyện ven biển như: Hoằng Hoá, Sầm Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương... cũng đã quan tâm phát triển nghề chế biến mắm truyền thống gắn với xây dựng sản phẩm Ocop. Một số làng nghề nước mắm đã xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như: Diên Phố, Khúc Phụ, Cự Nham… 

Xây dựng thương hiệu Ocop cho sản phẩm mắm truyền thống - Ảnh 5.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nước mắm trong tỉnh đã đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời đầu tư đồng bộ từ bao bì, nhãn mác với hình thức bắt mắt, đa dạng chủng loại, đáp ứng tốt thị hiếu của khách hàng.

Xây dựng thương hiệu Ocop cho sản phẩm mắm truyền thống - Ảnh 6.

Ông Lê Tuấn Anh - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ thương mại Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Sau khi được công nhận mắm cáy đạt 4 sao, Hợp tác xã đẩy mạnh  thu mua nguồn nguyên liệu giúp giá thành con cáy có giá trị cao hơn. Hợp tác xã kết nối với các đơn vị, thông tin, quảng bá hình ảnh mắm cáy Quảng Phú 4 sao khắp cả ước; Hợp tác xã sản xuất chất lượng, đưa sản phẩm tốt nhất đến người tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe".

Xây dựng thương hiệu Ocop cho sản phẩm mắm truyền thống - Ảnh 7.

Ông Hồ Quang Dũng - Phó Chủ tịch phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Hồ Quang Dũng - Phó Chủ tịch phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Phường Hải Thanh trong năm 2023, năm 2024, tiếp tục động viên, tuyền truyên các chủ thể tích cực tham gia sản phẩm Ocop, tạo được sản phẩm, uy tín, tiêu thụ mạnh trên thị trường; tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Thời gian tới sẽ đấu mối cơ quan chức năng cấp thị, tỉnh, để các chủ thể Ocop tiếp cận được nguồn quỹ đất mở rộng thị trường, quy mô sản xuất".

Hiện nay, toàn tỉnh có 27 sản phẩm mắm truyền thống được công nhận Ocop 3 - 4 sao, 1 sản phẩm nước mắm được công nhận Ocop 5 sao , 2 sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài. Theo đánh giá của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, các sản phẩm nước mắm sau khi được công nhận Ocop đều tăng sản lượng tiêu thụ, có sản phẩm tăng gấp 3- 4 lần so với trước đây.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 29/9