Xây dựng thương hiệu sản phẩm ốc nhồi Thanh Hóa

Từ trang trại nuôi ốc nhồi thương phẩm, anh Bùi Xuân Bình, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương đã chế biến ra các sản phẩm khác nhau từ ốc, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Năm nay, anh Bình đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận sản phẩm OCOP; từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm ốc nhồi Thanh Hóa.

Ốc nhồi ống nứa, ốc nhồi tách vỏ… là những sản phẩm được chế biến từ ốc nhồi thương phẩm của Công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Thiên Bảo do anh Bùi Xuân Bình làm chủ. Các sản phẩm này đã được cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, tem, mã vạch truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm trên đã được đưa vào hệ thống các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch trong tỉnh và một số tỉnh ngoài.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm ốc nhồi Thanh Hóa - Ảnh 2.

Anh Bùi Xuân Bình, Thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Anh Bùi Xuân Bình, Thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thanh Hóa có rất nhiều nguồn nguyên liệu về ốc nhồi. Chúng tôi muốn đưa thế mạnh ốc nhồi nguyên bản này trở thành sản phẩm chế biến, nâng cao giá trị ốc nhồi; giới thiệu ra ngoài thị trường, với bạn bè trong nước".

Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phát triển nuôi ốc nhồi thương phẩm. Tuy nhiên, do không có đầu ra ổn định, giá cả bấp bênh phụ thuộc vào thị trường nên lợi nhuận không cao. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, cuối năm 2019, anh Bình bắt đầu chế biến các sản phẩm từ ốc. Được thị trường chấp nhận, anh Bình tiếp tục liên kết với các hộ nuôi ốc nhồi trong tỉnh thu mua nguyên liệu để chế biến, đảm bảo nguồn nguyên liệu tại chỗ. Ngoài trang trại 6,5 ha nuôi ốc nhồi của gia đình, hiện nay, anh Bình còn liên kết với hơn 30 trang trại nuôi ốc trong tỉnh phục vụ chế biến.

Anh Bùi Xuân Bình, Thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Trong thời gian tới, chúng tôi đang cố gắng xây dựng nhãn mác công ty đẹp mắt hơn, bảo quản tốt hơn, đến tay người tiêu dùng nhiều hơn".

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Địa phương cùng phối hợp với gia đình, Phòng Nông nghiệp, các cơ quan tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; tư vấn làm các thủ tục, hồ sơ, đưa sản phẩm ra thị trường để công nhận OCOP trong năm 2023".

Trung bình mỗi năm, công ty của anh Bình thu mua và chế biến khoảng 80 tấn ốc tươi, tương đương doanh thu trên 8 tỷ đồng. Từ đó, hình thành nên chuỗi liên kết sản xuất bền vững, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Nguồn: Bản tin THNM/TTV