Xuất khẩu hàng hóa nỗ lực vượt khó

20:29 - 05/04/2023

Ba tháng đầu năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa ước đạt trên 939 triệu USD giảm 20,6% so với cùng kỳ và bằng 17,1% so với kế hoạch năm. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế thế giới phục hồi chậm, cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ tại nhiều quốc gia đã làm nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn suy giảm mạnh. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của tỉnh phải linh hoạt ứng phó, lấy lại đà tăng trưởng trong quý II.

Quý 1/2023, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Thanh Hóa là dệt may, da giày đều gặp nhiều khó khăn do đơn hàng và đơn giá giảm mạnh. Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may, có tới 70% doanh nghiệp hội viên bị thiếu đơn hàng và phải chật vật tìm các phương án duy trì sản xuất, giữ chân người lao động. Tình hình khó khăn trong xuất khẩu dệt may được dự báo sẽ chưa thể kết thúc sớm.

Xuất khẩu hàng hóa nỗ lực vượt khó - Ảnh 2.

Với nhóm hàng nông, thủy sản, dù chưa lấy lại đà tăng trưởng nhưng đã có dấu hiệu phục hồi và dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn trong quý II và quý III/2023. Tại Công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu Nông sản Việt, sau khoảng thời gian xuất khẩu chững lại do thị trường thế giới biến động, từ tháng 2 và đặc biệt là tháng 3 năm 2023, xuất khẩu của đơn vị đã khởi sắc do thị trường được kết nối trở lại. Đáng chú ý, các thị trường lớn từ khu vực Châu Âu như: Anh, Pháp, Đức gia tăng tiêu thụ. 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã xuất khẩu được trên 3.000 tấn nông sản các loại, đạt 30% kế hoạch năm và vượt 5% so với kế hoạch đề ra trong quý I. Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến và xuất khẩu nông sản Việt cho biết thêm đến thời điểm này nhu cầu nhập khẩu của các nước bạn khởi sắc, hàng tồn kho đã tiêu thụ hết, tỷ giá ổn định, vận tải và logictic giảm nhiệt, khách quay trở lại nhập hàng là tín hiệu rất tốt để các đơn vị tăng công suất xuất khẩu. Quý II nhận định thị trường khởi sắc hơn, sức mua dồi dào hơn.

Xuất khẩu hàng hóa nỗ lực vượt khó - Ảnh 3.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, xuất khẩu hàng hóa năm 2023 tuy rất khó khăn, nhưng không phải là không có cơ hội nếu doanh nghiệp biết khai thác tốt thị trường, và tận dụng thị trường ngách để nâng cao sản lượng. Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải bám sát diễn biến của thị trường, có các giải pháp ứng phó linh hoạt đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc điều hành Công ty xuất nhập khẩu gỗ Trường Sơn cho rằng trong bối cảnh giá thị trường xuất khẩu giảm thì buộc phải làm việc lại với các đối tác cung cấp để mỗi khâu, mỗi công đoạn tiết giảm chi phí, mục tiêu cuối cùng là vẫn giữ được sản lượng xuất khẩu ra thị trường thế giới vì nếu không hàng hóa sẽ ùn ứ lại cả chuỗi.

Ngành Công thương Thanh Hóa nhận định, khó khăn về thị trường xuất khẩu còn kéo dài, đặc biệt là đối với các mặt hàng chủ lực, các thị trường lớn. Do đó, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành, các đơn vị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh, nắm bắt tín hiệu phục hồi của từng ngành hàng, từng thị trường để thúc đẩy xuất khẩu trong quý II, bù đắp cho sự sụt giảm của quý I, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu hàng hóa đạt 5,5 tỷ USD trong năm 2023.

Nguồn: Bản tin thời sự tối ngày 5.4.2023