Yên Định xây dựng được 50 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ

08:10 - 03/12/2022

Trong bối cảnh ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá phân bón tăng cao, từ năm 2021 đến nay, Hội nông dân huyện Yên Định đã chuyển giao công nghệ và xây dựng được 50 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ tuần hoàn theo chu trình khép kín. Hầu hết các chất thải, phế phụ phẩm được tận dụng quay trở lại làm phân bón hoặc nguyên liệu cho quá trình sản xuất khác, đã giúp hình thành môi trường sản xuất an toàn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho các hộ nông dân.

Sau nhiều năm sử dụng phân bón hóa học hoặc mua phân bón hữu cơ mà hiệu quả không cao, 2 năm qua, Hội nông dân xã Yên Phong, huyện Yên Định đã vận động, hướng dẫn các hộ nông dân tự ủ phân hữu cơ để sản xuất rau màu. Điều này giúp bà con tiết kiệm được chi phí, tăng tỷ lệ phân hữu cơ bảo vệ môi trường, giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Tham gia hoạt động, nông dân được hỗ trợ 30 triệu đồng/1 mô hình từ UBND huyện Yên Định và tận dụng được nguyên liệu sẵn có như rơm, lá cây, cỏ, phân bò và chế phẩm trichoderma, nên giá thành rẻ hơn nhiều so với mua phân vô cơ. Mỗi mẻ phân hữu cơ ủ từ 3 - 4 tháng là có thể đem bón cho cây trồng.

Yên Định xây dựng được 50 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ - Ảnh 2.

Ông Cáp Văn Quý, Thôn Lý Nhân, xã Yên Phong, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá

Ông Cáp Văn Quý, Thôn Lý Nhân, xã Yên Phong, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Chúng tôi nhận thấy dùng men và ủ phân bón hữu cơ theo dạng này rất tốt, giảm nhiều chi phí, bảo vệ môi trường và sức khoẻ."

Phân bón hữu cơ không chỉ cung cấp cho cây trồng các chất dinh dưỡng cần thiết mà còn trả lại độ màu mỡ cho đất, nhất là khi phần lớn diện tích đất canh tác của huyện Yên Định đang giảm độ phì nhiêu, khiến năng suất cây trồng xuống thấp. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào xử lý chất thải chăn nuôi, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp đang được nhiều hộ nông dân tích cực thực hiện. Thống kê của ngành nông nghiệp cho biết: mỗi năm, Thanh Hoá có khoảng 1,1 triệu tấn phân gia súc, gia cầm tại các trang trại chăn nuôi. Ngoài ra, còn có các loại phế phụ phẩm khác như rơm, rạ, cỏ dại, lá rau, mùn cưa, tro, trấu … sẵn có tại địa phương. Đây là nguồn nguyên liệu phân hữu cơ lớn cung cấp cho trồng trọt, nếu tận dụng hiệu quả sẽ giúp cung ứng một lượng dinh dưỡng cao cho cây trồng, hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, vừa giảm chi phí, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tạo đất, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường.

Yên Định xây dựng được 50 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ - Ảnh 3.

Yên Định xây dựng được 50 mô hình sản xuất phân bón hữu cơ - Ảnh 4.

Bà Lê Thị Hiên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Định., tỉnh Thanh Hoá

Bà Lê Thị Hiên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm:"Chúng tôi tập trung thanh kiểm tra để đảm bảo nguồn vật tư chất lượng cho nông dân sản xuất, đồng thời cũng phối hợp với các địa phương tuyên truyền để người dân mua đúng sản phẩm."

Bà Nguyễn Thị Tinh, Xã Định Bình, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Việc dùng phân hữu cơ giúp nhà nông chúng tôi yên tâm với viêc dùng trên diện rộng, đảm bảo môi trường, tiết kiệm chi phí."

Để từng bước hình thành nền nông nghiệp nói "không" với hóa chất, Hội nông dân huyện Yên Định sẽ đề xuất với UBND huyện tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình, đẩy mạnh việc tự sản xuất phân bón hữu cơ. Trước sức ép lớn về giá phân bón tăng cao, giá vật tư nông nghiệp biến động theo chiều hướng tăng và khó lường, việc sản xuất phân bón hữu cơ là phương pháp có hiệu quả lớn, giúp nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận, đảm bảo cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 03/12/2022