Longform
img

THẦY THUỐC ĐI VỀ ĐÂU?  - Ảnh 1.

- Ông đánh giá thế nào về ngành y tế trong thời gian vừa qua?

- Thời gian vừa qua, hàng loạt những vụ vi phạm trong ngành y tế, từ các vụ án liên quan tới xã hội hóa, đến sai phạm trong công tác phòng, chống dịch... đây là một cuộc khủng hoảng về nghề nghiệp đối với ngành y tế.

Tình trạng thiếu thuốc xảy ra ở nhiều cơ sở y tế, điều này rất nguy hiểm, người dân không có thuốc để chữa bệnh, càng nguy hiểm hơn chính là thiếu các vật tư y tế để tiến hành các thủ thuật, có những bệnh nhân đi mổ mà người nhà phải mua từng ống nội khí quản, mua từng dây truyền, mua từng mũi kim, từng sợi chỉ. Tình trạng thiếu vật tư để triển khai các kỹ thuật còn nguy hiểm hơn nhiều so với thiếu thuốc, vì nếu thiếu vật tư sẽ không thể triển khai kỹ thuật chuyên môn.

Không chỉ thiếu thuốc và vật tư mà còn thiếu cả trang thiết bị y tế để chẩn đoán, như các thiết bị, máy móc hỏng hóc, không tổ chức đấu thầu để sửa chữa được hay việc thiếu trang thiết bị nhưng không thể mua sắm được.

Và điều nguy hiểm nhất chính là thiếu nhân lực y tế. Vừa qua, Bộ Y tế công bố, có gần 10.000 nhân viên y tế đã bỏ việc bắt đầu từ đầu năm 2021 cho đến hiện nay, một khoảng thời gian rất ngắn chỉ có 18 tháng.

"Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, năm 2021 có hơn 5.200 nhân viên y tế thôi việc; 6 tháng đầu năm nay có hơn 4.000 người, gồm hơn 3.700 người do Sở Y tế quản lý, gần 360 người công tác tại cơ sở thuộc Bộ Y tế. Như vậy, số lượng người nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022 cao gần tương đương số người trong cả năm 2021.

Tuy nhiên, chỉ là con số bề nổi, chưa phải là con số thực tế. Thứ nhất, có những người nghỉ việc nhưng các đơn vị chưa kịp báo cáo lên hoặc là vì lý do nào đó người ta chưa muốn báo cáo lên để ảnh hưởng tới những việc khác.

Thứ hai, có một đội ngũ rất lớn là những nhân viên y tế chỉ mới ký hợp đồng mà không phải biên chế phải nghỉ việc, do điều kiện làm việc, điều kiện về kinh tế không đảm bảo. Do vậy, con số 10.000 nhân viên y tế bỏ việc mà Bộ Y tế đưa ra chưa phải là con số chính thức.

Không phải đến bây giờ mà tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế đã diễn ra cách đây rất lâu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng ta thấy rằng tần suất nghỉ việc càng ngày càng nhiều hơn. Riêng năm 2021 đã có hơn 5.000 nhân viên y tế bỏ việc nhưng chỉ 6 tháng đầu năm 2022,  số nhân viên y tế bỏ việc đã bằng của cả năm 2021, trong khi số liệu này chưa phải những số liệu chuẩn xác.

THẦY THUỐC ĐI VỀ ĐÂU?  - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm tại trạm y tế phường tại thời điểm dịch Covid-19 bùng phát

- Làn sóng nghỉ việc này của nhân viên y tế sẽ để lại hậu quả gì, thưa ông?

- Một số chuyên gia cho rằng, việc nhân viên y tế dịch chuyển từ y tế công sang y tế tư chỉ là dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác mà không có gì đáng phải lo ngại. Tuy nhiên theo tôi, vấn đề không đơn giản như vậy. Thứ nhất, không phải ai cũng đi đến bệnh viện tư để làm việc mà có những người rời bỏ hẳn ngành y tế để làm những công việc khác.

Thời gian vừa rồi, báo chí có đưa thông tin về một nhân viên điều dưỡng có mức lương chỉ có 5.000.000 đồng đã nghỉ việc từ năm 2018. Sau khi nghỉ việc thì điều dưỡng này đã đi làm xe ôm công nghệ với thu nhập là 400.000 đồng/ngày. Đến khi có dịch Covid-19, anh đã quay trở lại hỗ trợ chống dịch và chống dịch xong thì anh lại tính nghỉ việc để tiếp tục với công việc lái xe ôm.

Điều này cho thấy, có một bộ phận nhân viên y tế nghỉ việc và không tham gia ngành y. Và hầu hết những người đó lại làm kinh tế rất tốt và đảm bảo được cuộc sống của họ so với việc ở lại trong ngành y tế. Đây là một hệ lụy dẫn đến chất lượng khám, chữa bệnh và chẩn đoán bệnh cũng như là chất lượng điều trị sẽ bị giảm đi rất nhiều.

Không chỉ tại Việt Nam, mà trên thế giới hệ thống y tế tư nhân chủ yếu là khám, chẩn đoán và điều trị những ca bệnh không quá phức tạp. Còn trong bệnh viện, trong hệ thống y tế công lập tập trung phần lớn những ca bệnh khó, những tình huống khó xử lý trong y tế. Cùng với đó, bệnh viện tư nhân chủ yếu điều trị cho những bệnh nhân có điều kiện kinh tế tương đối cao. Bệnh viện công lập thì chủ yếu là các người bệnh có điều kiện kinh tế trung bình hoặc thấp. Và hậu quả của vấn đề này thì người bệnh phải gánh chịu. Người bệnh sẽ không được chẩn đoán tốt, không được điều trị tốt.

THẦY THUỐC ĐI VỀ ĐÂU?  - Ảnh 3.

Sự dịch chuyển nhân sự lớn như vậy sẽ không chỉ là việc thiếu nhân viên y tế trong bệnh viện mà còn gây ra những chuyện xung đột. Hàng ngày các bệnh viện công phải khám, chữa cho hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân. Việc thiếu nhân lực trong ngành y tế dẫn tới các bác sĩ, y sĩ không có thời gian để quan tâm tới những người bệnh, không có thời gian để tiếp xúc, để tìm hiểu kỹ về bệnh nhân. Tất cả những ca bệnh chỉ có thoáng qua chứ không có điều kiện để chẩn đoán và chăm sóc được tốt nhất. Điều này đồng nghĩa với chất lượng khám, chữa bệnh giảm đi và đa số người dân sẽ phải chịu sự thiệt thòi này.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, do vậy, hầu hết thu nhập của người dân mới chỉ dừng ở mức đủ chi tiêu trong cuộc sống. Khi có một biến cố xảy ra như ốm đau, bệnh tật thì ngay lập tức họ sẽ rất khó khăn. Vì vậy, rất nhiều người dân vẫn cần phải trông chờ vào y tế nhà nước, y tế công lập.

THẦY THUỐC ĐI VỀ ĐÂU?  - Ảnh 4.

- Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tính trạng này?

- Tôi cho rằng có nhiều yếu tố dẫn tới điều này. Đầu tiên, làm việc trong môi trường y tế là một môi trường nguy hiểm. Đại dịch Covid-19 chính là một minh chứng cụ thể nhất. Nhân viên y tế phải lao ra ngoài mặt trận để đương đầu với bệnh tật, vì vậy khả năng bị lây nhiễm bệnh là rất cao. Cùng với đó, ở những vị trí liên quan tới hóa chất, liên quan tới tia X-quang như chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, là những môi trường cực kỳ độc hại. Ngoài ra, khi mà tất cả bệnh viện quá tải sẽ dẫn tới một hiện tượng là xung đột giữa người bệnh và nhân viên y tế là khó có thể tránh khỏi. Việc “tắc đường” trong bệnh viện bây giờ khủng khiếp hơn nhiều so với tắc đường trên đường phố ở những thành phố lớn như là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cũng vì vậy mà xung đột giữa người bệnh và nhân viên y tế sẽ xảy ra rất nhiều.

Chúng ta cũng đã thấy, trong thời gian qua, xảy ra không ít những trường hợp nhân viên y tế bị đe dọa, thậm chí bị người bệnh, người nhà bệnh nhân hành hung được báo chí đưa tin, cùng với đó cũng có rất nhiều trường hợp tương tự nhưng ít ai biết đến. Tiếp sau đó, trải qua đại dịch Covid-19, các nhân viên y tế tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực, nguy hiểm, dẫn tới nhiều người bắt đầu cảm thấy nản chí.

THẦY THUỐC ĐI VỀ ĐÂU?  - Ảnh 5.

Lực lượng nhân viên y tế Bệnh viện TP Thủ Đức tham gia chống dịch. Ảnh: ITN

Thứ hai, môi trường làm việc không chuyên nghiệp cũng làm cho nhân viên y tế dịch chuyển từ y tế công lập ra y tế tư nhân, hoặc bỏ luôn nghề. Trong thời gian vừa qua, một loạt những hiện tượng như thiếu thuốc trong bệnh viện, thiếu vật tư, thiếu trang thiết bị để chẩn đoán… việc này không chỉ mới xảy ra mà đã diễn ra trong một thời gian rất dài. Ở các bệnh viện tư, tất cả những trang thiết bị đều được mua sắm một cách tốt nhất như máy siêu âm, máy X-quang, máy cộng hưởng từ… đều tốt nhất. Trong khi đó, ở bệnh viện công, thông thường là các máy cũ kỹ, lạc hậu, những máy móc tốt chỉ là rất ít chứ không nhiều. Đây là khó khăn rất lớn cho những người làm công tác y tế, những nhân viên y tế như y, bác sĩ đam mê với nghề nghiệp, dù họ muốn làm việc một cách tốt nhất, thì hoàn cảnh, môi trường lại không đáp ứng được. Phần nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này là do những cơ chế, chính sách của Nhà nước còn nhiều hạn chế.

THẦY THUỐC ĐI VỀ ĐÂU?  - Ảnh 6.

Y tế công cần cơ chế cởi trói để giảm áp lực cho bệnh viện và y bác sĩ, góp phần ngăn chặn tình trạng“chảy máu chất xám”. Ảnh: ITN

Thứ ba, là chế độ đãi ngộ. Hầu hết nhân viên y tế chỉ trông vào đồng lương cơ bản và nếu bệnh viện nào làm tốt thì có thể được thêm 2-3 triệu tiền thu nhập tăng thêm, chỉ có số rất ít có thể kiếm được thu nhập từ nguồn khác. Trong khi đó, một nhân viên y tế tại bệnh viện tư, họ hoàn toàn có thể có mức thu nhập thấp nhất phải gấp 10 lần ở trong bệnh viện công. Với mức thu nhập chênh lệch lớn như vậy cần chúng ta phải nhìn nhận, xem xét lại thật kỹ vấn đề này.

Theo thống kê của Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam, trong đại dịch Covid-19, năm 2021 lương của bác sĩ trung bình được khoảng 7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi tiêu của người dân Hà Nội và người dân TP Hồ Chí Minh, tối thiểu cũng phải hơn 10 triệu/tháng/người. Với mức lương như vậy, các y, bác sĩ không đủ để đảm bảo cuộc sống của họ. Điều này đưa tới hệ lụy, các nhân viên y tế sẽ rời đi cơ sở công lập để đến nơi có mức thu nhập cao hơn.

Trong cơ cấu lương của cán bộ y tế hiện nay, riêng về chế độ phụ cấp vẫn thực hiện theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP ban hành từ năm 2011. Theo đó, mức phụ cấp ưu đãi cao nhất là 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.

Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm; Xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm; Kiểm dịch y tế biên giới. Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu.

Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt…

Theo Nghị quyết 46/NQ-BCT của Bộ Chính trị, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, có cơ chế đào tạo đặc thù. Tuy nhiên, riêng đối với bác sĩ, thời gian đào tạo kéo dài 6 năm và phải mất 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1 so với các ngành khác thời gian đào tạo chỉ là 4 năm.

Thứ tư, áp lực công việc ở trong bệnh viện công rất lớn. Tôi có thể khẳng định, không có nhân viên y tế nào chỉ làm việc 8 giờ/ngày, thông thường phải làm 10-12 giờ/ngày, phải làm đến khi hết bệnh nhân mới thôi. Trường hợp làm xuyên trưa, kéo dài liên tục đến khi hết bệnh nhân không phải số ít, chỉ đến khi không còn bệnh nhân mới được ra khỏi bệnh viện để về nhà. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân ở các bệnh viện y tế công lại rất nhiều, đây là một áp lực rất kinh khủng đối với mỗi một y, bác sĩ.

Ngoài ra, các y, bác sĩ trong bệnh viện công thường xuyên phải trực 24/24. Nếu trực vào thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật, trực vào những ngày lễ, tết thì cũng không được nghỉ bù vì nếu nghỉ sẽ không có ai làm việc. Vì vậy, dù trực vào những ngày nghỉ, họ vẫn phải tham gia làm việc bình thường. Đồng thời, các bệnh viện cũng không cộng thêm thu nhập cho các ngày giờ làm thêm. Bởi vì, dù có cộng thêm cũng không có tiền để trả lương. Ngoài ra là tiền trực 24/24, với bác sĩ ở bệnh viện hạng I mới được 115.000 đồng/ngày, còn với bệnh viện hạng II, hạng III thì không thể được mức tiền như vậy.

THẦY THUỐC ĐI VỀ ĐÂU?  - Ảnh 8.

Nhân viên y tế công lập chịu rất nhiều áp lực nhưng chính sách chưa tương xứng, một số người phải rời bỏ y tế công

THẦY THUỐC ĐI VỀ ĐÂU?  - Ảnh 9.

- Ông có kiến nghị gì để giảm tình trạng các nhân viên y tế rời bỏ cơ sở công lập, thậm chí bỏ khỏi ngành y như hiện nay, thưa ông?

- Để giải quyết được vấn đề này thì điểm cốt lõi ở đây là điều chỉnh hành lang pháp lý sao cho phù hợp thực tế của ngành, đảm bảo an toàn cho hệ thống y tế trong thời gian tới mà không xảy ra những điều sai sót, trục lợi hay tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị. Hiện nay, hệ thống văn bản luật của Việt Nam, nhất là trong ngành y tế không theo kịp với tình hình thực tế...

Thứ nhất, để giải quyết tình trạng này, theo tôi, Quốc hội là cơ quan lập pháp cần phải tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp. Các bộ, ban, ngành của Chính phủ như Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… phải tham mưu cho Chính phủ, cho Quốc hội để xây dựng, ban hành được các văn bản pháp luật chất lượng, phù hợp với thực tiễn.

THẦY THUỐC ĐI VỀ ĐÂU?  - Ảnh 10.

Thứ hai, phải có cơ chế thiết thực cho ngành y tế. Đã rất nhiều năm, chúng ta duy trì hệ thống y tế công lập giống nhà thương làm phúc, dẫn tới hệ thống y tế trì trệ, kém phát triển. Ngược lại, nếu y tế quá chú trọng kinh tế thị trường thì cũng sẽ không phù hợp. Y tế cần phải đi theo quy luật kinh tế y tế riêng, chỉ có như vậy mới đảm bảo được đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế, từ đó đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

Ví dụ như công tác tự chủ ở các bệnh viện công lập, đây là một chủ trương rất tốt. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này trong thời gian qua giống như đang buộc chung tất cả các bệnh viện lại và bắt họ tự chủ, giống như việc bắt ai đó phải bơi nhưng lại trói họ lại. Do vậy, chúng ta phải xem xét lại vấn đề tự chủ ở các bệnh viện.

Đối với những bệnh viện hạng II trở xuống, các trung tâm y tế, trạm y tế… đây là những tuyến y tế cơ sở ban đầu. Nếu để những cơ sở này tự chủ thì sẽ không thể cạnh tranh được với bệnh viện hạng I hay bệnh viện Trung ương, dẫn tới tình trạng thu không đủ chi và nhân viên y tế lại bỏ việc. Vì vậy, không nên thực hiện tự chủ ở những đơn vị này mà vẫn phải duy trì các chế độ hỗ trợ của Nhà nước để các đơn vị đó có thể hoạt động bình thường.

Đối với những bệnh viện hạng I, bệnh viện Trung ương, bệnh viện đặc biệt… những đơn vị này phải tự chủ nhưng cần thiết lập một cơ chế giá hợp lý. Ví dụ như hiện nay, siêu âm ở tất cả các bệnh viện công lập đều có mức giá giống nhau, theo tôi, đây là điều không hợp lý, vì mỗi bệnh viện sẽ có tình trạng máy móc khác nhau, chuyên gia đo, khám có trình độ chuyên môn khác nhau nên việc thu một giá là không phù hợp. Ngoài ra, cũng vì sự khác nhau đó mà dẫn tới kết quả chẩn đoán, khám bệnh của bệnh nhân khác nhau, không chính xác, khiến cho bệnh nhân phải đi nhiều bệnh viện để làm các xét nghiệm, chẩn đoản. Việc này dẫn tới lãng phí, tốn kém cho cả người bệnh lẫn bệnh viện.

Cuối cùng, là công tác quản lý tài chính khi bệnh viện tự chủ. Khi đã khuyến khích các cơ sở y tế tự chủ thì cơ chế về giá phải thực sự mạnh, tính đúng, tính đủ và cho phép các đơn vị được phép mua những máy móc, trang thiết bị tốt. Được phép sử dụng các biện pháp chẩn đoán và điều trị tối ưu cho người bệnh và khi đó, được tính giá theo giá đặc thù riêng để có thể đảm bảo được mục đích phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Đồng thời, cũng đảm bảo được nhu cầu tái đầu tư, tái sản xuất, tái cơ cấu sức lao động cho những nhân viên y tế và có nguồn lực để trả công cho họ một cách tương xứng. Nếu làm được điều này thì sẽ giải quyết được bài toán về đời sống cho nhân viên y tế.

THẦY THUỐC ĐI VỀ ĐÂU?  - Ảnh 11.



Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận