ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Đe dọa rút khỏi WHO, ông Trump trao cơ hội vàng cho Trung Quốc?

Nếu Mỹ rút khỏi WHO thì điều này sẽ tạo ra một khoảng trống mà các nhà tài trợ khác nhiều khả năng sẽ lấp đầy, trong đó phải kể đến Trung Quốc.

21/05/2020 14:15

Hồi đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra “tối hậu thư” 30 ngày đối với Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Hoặc cải cách hoặc mất tài trợ của Mỹ. Trong một lá thư gửi tới WHO ngày 18/5, ông Trump cáo buộc cơ quan này theo đuổi lập trường có lợi cho Trung Quốc và không cảnh báo thế giới về mối nguy hiểm của đại dịch Covid-19 một cách kịp thời.

Tổng thống Trump đe dọa rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ảnh: Politico.
Tổng thống Trump đe dọa rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ảnh: Politico.

Với tuyên bố mới nhất của nhà lãnh đạo Mỹ, WHO đang đối mặt với 2 thách thức: nguy cơ Mỹ rút khỏi tổ chức và sự gia tăng nhu cầu đóng góp khi Washington không còn là thành viên.

Mỹ đang mất dần ảnh hưởng?

Tài trợ cho WHO là một trong những ví dụ về cách thức Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực y tế toàn cầu. Tại Mỹ, việc đảm bảo an ninh y tế toàn cầu là một ưu tiên lớn của lưỡng đảng. Sự hợp tác của Washington đối với WHO trong Chương trình nghị sự an ninh y tế toàn cầu đã giúp mở rộng chính sách ngoại giao của Mỹ. Mỹ hiện giờ là nước đóng góp nhiều nhất cho WHO, chiếm 15% ngân sách của tổ chức, theo CNN. Ngoài việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu, khoản kinh phí này này còn góp phần cải thiện lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại những quốc gia dễ bị tổn thương do bất ổn và bạo lực.

Để hiểu hậu quả của việc Mỹ cắt tài trợ cho WHO, cây bút Summer Marion của tờ Washington Post đã trích dẫn kết quả một cuộc thăm dò dư luận của TRIP Snap được tiến hành từ ngày 27/4 đến ngày 4/5, khảo sát ý kiến của hơn 900 chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế của Mỹ.

Hơn 90% số người được hỏi dự đoán, các nhà lãnh đạo nước ngoài sẽ cho rằng Mỹ “ít có khả năng” hoặc “hầu như không có khả năng” cung ứng hàng hóa y tế sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, những người được hỏi dự đoán sẽ có sự suy giảm mạnh nhận thức trên toàn cầu cho Mỹ là “một quốc gia thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế” và được tôn trọng các hệ thống quốc tế”.

Những quan điểm này đã phản ánh sự thất vọng đối với sự công kích của ông Trump nhằm vào WHO, cùng những hạn chế mà chính phủ Mỹ đã đặt ra nhằm ngăn chặn các quốc gia khác mua trang thiết bị y tế.

Thêm vào đó, đóng băng khoản tài trợ cho WHO sẽ hạn chế các nỗ lực trên toàn cầu nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19, trong bối cảnh đỉnh dịch vẫn chưa xảy ra tại nhiều nước châu Phi và các khu vực khác trên thế giới, vốn rất dễ bị tổn thương do hệ thống y tế yếu kém và hoạt động di cư hàng loạt.

Liên quan đến vai trò của Mỹ trong việc điều phối phản ứng quốc tế đối với dịch bệnh hiện nay, chỉ một số ít những người được hỏi nói rằng Mỹ đang thực hiện “hiệu quả” hoặc “rất hiệu quả”, trong khi 80,3% số người đánh giá “không đạt hiệu quả”.

Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi nhiều cơ quan của Liên Hợp Quốc như UNESCO, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHCR) và từ bỏ những thỏa thuận màng tính bước ngoặt như Hiệp định khí hậu Paris. Cây bút Michael Bociurkiw của tờ CNN cho rằng, lời đe dọa mới nhất của ông Trump dường như là một nỗ lực chuyển sự chú ý ra khỏi những thất bại của chính quyền trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đã khiến hơn 1,5 triệu người Mỹ bị mắc và hơn 93.000 người tử vong. “Tôi sợ rằng, ngay cả khi Mỹ có chính quyền mới, quá trình khôi phục danh tiếng và sự ảnh hưởng của nước này trên trường quốc tế sẽ rất chậm”, Michael Bociurkiw nhận xét.

Đây cũng là quan điểm được chia sẻ bởi Đại sứ Alexander Vershbow, người từng là Đặc phái viên Mỹ tại Hàn Quốc, Nga, NATO: “Ngay cả khi đảng Dân chủ thắng thế tại Nhà Trắng, sẽ mất rất nhiều thời gian để xây dựng lại vai trò lãnh đạo của Mỹ, xây dựng lại niềm tin từ các đồng minh truyền thống vốn đang thất vọng trước những động thái của ông Trump trong cuộc chiến chống Covid-19 và việc Mỹ đe dọa rút khỏi WHO” .

Trung Quốc thế chân Mỹ?

Nếu Mỹ rút khỏi WHO thì điều này không chỉ làm giảm các hoạt động của tổ chức này mà còn giảm ảnh hưởng của Mỹ đối với lĩnh vực y tế toàn cầu. Hơn nữa, nó sẽ tạo ra một khoảng trống mà các nhà tài trợ khác nhiều khả năng sẽ lấp đầy, trong đó phải kể đến Trung Quốc.

Ngay khi Tổng thống Trump đe dọa từ bỏ quy chế thành viên của WHO, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong một phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Đại hội Hội đồng Y tế thế giới (WHA) đã cam kết cung cấp 2 tỷ USD trong 2 năm tới để chống đại dịch Covid-19, tạo ra một “trung tâm phản ứng nhân đạo” ở Trung Quốc và hỗ trợ châu Phi tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó với dịch bệnh.

Sau khi kiểm soát được dịch bệnh vào tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã nhanh chóng cung cấp viện trợ y tế cho châu Âu, Trung Đông và thậm chí là Mỹ, để khẳng định nước này là một “lãnh đạo” toàn cầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Một quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump cho rằng, 2 tỷ USD của Trung Quốc là con số nhỏ “như 1 đồng xu”. Nhưng theo một số nhà phân tích, khoản đóng góp này rất cần thiết cho WHO, đặc biệt khi ngân sách hiện tại của tổ chức chỉ có khoảng 2,3 tỷ USD mà Tổng giám đốc Adhanom Ghebreyesus cho là “quá nhỏ” và tương đương với “một bệnh viễn cỡ trung bình của các nước phát triển”.

Ông Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lưu ý rằng, quyết định cắt tài trợ của Mỹ sẽ có “ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp dịch vụ y tế cho những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”. Liệu WHO có thể đáp ứng được sự kỳ vọng của Mỹ hay không vẫn chưa rõ. Về phần mình Tổng giám đốc Tedros cam kết tiến hành điều tra độc lập về cách ứng phó dịch bệnh của WHO “vào thời điểm phù hợp nhất”.

Trong khi đó, Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Adam Schiff cảnh báo việc công kích các tổ chức quốc tế có thể “phản tác dụng”. Trong một phát biểu được Time trích dẫn, ông Adam Schiff nói: “Khi Mỹ xa lánh các tổ chức quốc tế, đe dọa cắt tài trợ, chỉ trích công việc của họ, thì Mỹ đã tạo khoảng trống cho Trung Quốc đầu tư nhiều nguồn lực hơn. Sự đầu tư đó đang thu hút các đồng minh của Mỹ. Một số đồng minh trong số này coi Trung Quốc là cường quốc đang trỗi dậy và họ nhìn nhận nước Mỹ dưới thời ông Trump là một cường quốc đang suy tàn”. 

Chưa dừng lại ở đó, Mỹ cũng sẽ “đơn độc” trong cuộc đua phát triển vaccine chống Covid-19 nếu rút khỏi WHO. Trước cuộc họp của Đại hội đồng Y tế thế giới, hơn 140 nhà lãnh đạo và chuyên gia trên thế giới đã ký một bức thư ngỏ thúc đẩy việc phát triển vaccine miễn phí cho cộng đồng và được sản xuất với quy mô lớn.

Tuần trước, Tổng thống Trump đã công bố chiến dịch "Thần tốc sản xuất vaccine chống Covid-19" (Operation Warp Speed), ước tính tiêu tốn hàng trăm triệu USD. Một quan chức của Mỹ cho biết, sẽ là một sự rủi ro về tài chính nếu nỗ lực này không hiệu quả. Nhưng ngay cả khi nỗ lực phát triển vaccine của Mỹ thành công thì cái giá mà Washington phải trả cũng không hề nhỏ, với một Trung Quốc ngày càng gia tăng sự ảnh hưởng và sự sụt giảm vị thế của Mỹ trên toàn cầu, mất đi thiện chí hợp tác của các quốc gia khác hoặc các tổ chức đa phương./.

Theo Hồng Anh/VOV


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Hạ viện Anh thông qua dự luật cấm giới trẻ hút thuốc lá

Hạ viện Anh thông qua dự luật cấm giới trẻ hút thuốc lá

23:13 , 17/04/2024

Với 383 phiếu thuận và 67 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua dự luật ngăn chặn giới trẻ hút thuốc. Đây được xem là chính sách hàng đầu của Thủ tướng Rishi Sunak trong nỗ lực thu hút cử tri trước thềm cuộc tổng tuyển cử vào năm sau.

Mỹ kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán

Mỹ kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán

23:12 , 17/04/2024

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield ngày 16/4 đã kêu gọi Triều Tiên quay trở lại đàm phán. Lời kêu gọi được đưa ra khi bà Thomas-Greenfield đến thăm Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Tổng thống Ukraine ký ban hành luật huy động quân sự

Tổng thống Ukraine ký ban hành luật huy động quân sự

23:11 , 17/04/2024

Ngày 16/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký ban hành luật về động viên nhập ngũ. Luật sẽ có hiệu lực 1 tháng sau khi chính thức được công bố.

Hội nghị Ngoại trưởng G7 tập trung vào các điểm nóng xung đột

Hội nghị Ngoại trưởng G7 tập trung vào các điểm nóng xung đột

20:03 , 17/04/2024

Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển – G7 chính thức khai mạc, tập trung thảo luận về các điểm nóng xung đột tại Trung Đông và Ukraine

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

20:02 , 17/04/2024

Quỹ tiền tệ quốc tế nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay lên 3,2 %, cho rằng tăng trưởng sẽ được dẫn dắt bởi các nền kinh tế tiên tiến.

Nhật Bản công bố Sách Xanh ngoại giao năm 2024

Nhật Bản công bố Sách Xanh ngoại giao năm 2024

20:01 , 17/04/2024

Ngày 16/4, Nhật Bản đã công bố Sách Xanh ngoại giao năm 2024. Đây được đánh giá là tài liệu quan trọng của Bộ Ngoại giao nhằm đánh giá tổng quát tình hình và định hướng chính sách ngoại giao trong năm tài khóa 2024.

Tesla có khả năng sa thải hơn 10% nhân sự

Tesla có khả năng sa thải hơn 10% nhân sự

11:25 , 17/04/2024

Công ty chế tạo xe điện Tesla (Mỹ) mới đây cho biết, sẽ sa thải hơn 10% lực lượng lao động, trong bối cảnh hãng này đối mặt với nhu cầu xe điện giảm, và thị trường cạnh tranh gay gắt.

FBI mở cuộc điều tra hình sự vụ sập cầu Francis Scott Key tại bang Maryland

FBI mở cuộc điều tra hình sự vụ sập cầu Francis Scott Key tại bang Maryland

11:24 , 17/04/2024

Truyền thông Mỹ vừa cho biết, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã mở một cuộc điều tra hình sự liên bang về vụ sập cầu tại bang Maryland hôm 26/3 vừa qua.

Tổng thống Pháp nỗ lực thúc đẩy một lệnh ngừng bắn nhân dịp Thế vận hội Olympic

Tổng thống Pháp nỗ lực thúc đẩy một lệnh ngừng bắn nhân dịp Thế vận hội Olympic

11:22 , 17/04/2024

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có kế hoạch tìm kiếm một lệnh ngừng bắn cho các cuộc xung đột lớn trên thế giới bao gồm cuộc chiến tại Dải Gaza và Ukraine- vào đúng dịp diễn ra Thế vận hội Olympic mùa hè ở Paris.

IAEA: Nguy cơ mất an toàn ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vẫn hiện hữu

IAEA: Nguy cơ mất an toàn ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vẫn hiện hữu

11:22 , 17/04/2024

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới đây, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), ông Rafael Grossi, cho rằng, nguy cơ mất an toàn tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia vẫn hiện hữu, mặc dù đã chuyển tất cả các tổ máy điện sang chế độ tạm dừng hoạt động.