Đơn hàng tăng, doanh nghiệp may đẩy mạnh sản xuất

Vượt qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng, sản xuất cầm chừng vào năm 2023, đến nay nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh đã ký kết được nhiều đơn hàng mới. Trong đó có doanh nghiệp đã đủ đơn hàng sản xuất đến hết năm. Đây là tín hiệu tích cực, tạo đà cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Công ty TNHH may xuất khẩu Vạn Lợi, xã Thăng Long, huyện Nông Cống nhận bàn giao từ Công ty CP may Vạn Lợi vào tháng 4/2023. Ngay sau khi tiếp nhận, Công ty đã chuyển hướng từ thị trường truyền thống là Mỹ, Hàn Quốc sang thị trường Nhật Bản. Mặc dù hiện nay nhiều doanh nghiệp may đang gặp khó do thiếu, thậm chí không có đơn hàng, nhưng đối với công ty những tháng đầu năm 2024 đã xuất khẩu được gần 200 nghìn sản phẩm và đã ký được nhiều đơn hàng đảm bảo cho người lao động có việc làm kéo dài đến hết tháng 8 năm 2024. Việc ký kết được đơn hàng xuất khẩu quần áo năm 2024 là tín hiệu tích cực, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo công ăn việc làm cho 700 lao động với mức thu nhập dao động từ 6 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng. Hiện doanh nghiệp đang mở thêm xưởng mới và dự kiến tuyển dụng thêm 300 lao động. Đây là cơ hội để công ty tăng trưởng trong năm 2024, phấn đấu mục tiêu sản xuất tăng thêm 20% so với năm 2023.

Đơn hàng tăng, doanh nghiệp may đẩy mạnh sản xuất- Ảnh 1.

Chị Trịnh Thị Thu, Công ty TNHH may xuất khẩu Vạn Lợi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Môi trường làm việc ở đây thuận lợi , thoải mái, nên người lao động rất muốn gắn bó với công ty".

Đơn hàng tăng, doanh nghiệp may đẩy mạnh sản xuất- Ảnh 2.

Ông Ding xin Sheng, Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu Vạn Lợi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa

Ông Ding xin Sheng, Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu Vạn Lợi, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Để đáp ứng được nhu cầu đơn hàng cũng như nhu cầu thực tế của khách hàng, công ty đang tiếp tục đầu tư thêm xưởng mới. Trong năm 2024, công ty mong muốn tuyển dụng thêm nhiều công nhân".

Những ngày này, hơn 300 công nhân của Công ty TNHH Sewing T&T, xã Định Hưng, huyện Yên Định đang tăng tốc sản xuất để kịp cho các đơn hàng xuất khẩu với đối tác tại thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…. Để có được đơn hàng mới, công ty luôn nỗ lực tìm kiếm, kết nối để mở rộng thị trường, tập trung xây dựng tiêu chí về công nghệ. Nhờ đó chất lượng sản phẩm được nâng cao, tiết kiệm thời gian và nhiều chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Tín hiệu đáng mừng là đến thời điểm này, công ty đã ký được các đơn hàng, bảo đảm cho người lao động có việc làm đến hết năm 2024.

Đơn hàng tăng, doanh nghiệp may đẩy mạnh sản xuất- Ảnh 3.

Chị Lưu Thị Thúy, Công nhân Công ty TNHH Sewing T&T, xã Định Hưng, huyện Yên Định chia sẻ: "Môi trường làm việc ở đây trong, sạch, thoải mái, quyền lợi của công nhân được công ty quan tâm".

Đơn hàng tăng, doanh nghiệp may đẩy mạnh sản xuất- Ảnh 4.

Chị Lê Thị Nhung, Quản lý xưởng may Công ty TNHH Sewing T&T, xã Định Hưng, huyện Yên Định

Chị Lê Thị Nhung, Quản lý xưởng may Công ty TNHH Sewing T&T, xã Định Hưng, huyện Yên Định cho biết: "Công ty sẽ nhập về các loại máy móc hiện đại để nâng hiệu quả, tăng sản lượng, tăng doanh thu cho người lao động".

Hiện nay, huyện Yên Định có 673 doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực, trong đó có gần 10 doanh nghiệp dệt may đã chủ động, linh hoạt tìm giải pháp ứng phó, nỗ lực vượt khó, tiếp tục phát triển về chiều sâu, đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mới, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhân lực chất lượng cao, tìm kiếm khách hàng mới, tăng cường xúc tiến thương mại ở những thị trường mới; đồng thời xây dựng các kế hoạch, chiến lược kinh doanh cụ thể, tận dụng tối đa lợi thế, cơ hội và sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã ký kết được các đơn hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động với sản lượng đơn hàng tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm trước.

Đơn hàng tăng, doanh nghiệp may đẩy mạnh sản xuất- Ảnh 5.

Ông Vũ Duy Lý, Giám đốc Công ty TNHH may xuất khẩu An Khánh, Xã Định Tân, huyện Yên Định cho biết thêm: "Hiện đơn hàng của công ty đã ký đến tháng 8/2024, giờ chỉ cần yên tâm sản xuất, nên rất đáng mừng".

Thanh Hóa hiện có khoảng gần 300 doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực dệt may. Các doanh nghiệp này đang tạo việc làm cho hơn 150.000 lao động. Để hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may, thời gian qua, Sở Công Thương đã đẩy mạnh các chương trình kết nối doanh nghiệp; tăng cường thông tin để các doanh nghiệp nắm bắt các chính sách hỗ trợ của tỉnh về đổi mới công nghệ, chuyển giao thiết bị tiên tiến vào sản xuất; thông tin thị trường quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Đáng chú ý, hiện các doanh nghiệp đều đã ký kết được các đơn hàng đến hết quý 2, thậm chí một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý 3/2024. Đây là cơ hội để ngành dệt may Thanh Hoá tăng trưởng trong năm 2024, phấn đấu mục tiêu sản xuất đạt 530 triệu sản phẩm.

Đơn hàng tăng, doanh nghiệp may đẩy mạnh sản xuất- Ảnh 6.

Đơn hàng tăng, doanh nghiệp may đẩy mạnh sản xuất- Ảnh 7.

Ông Trần Ngọc Phiêu, Phó phòng Tổ chức nhân sự Công ty TNHH Dụng cụ thể thao Sunrise huyện Hoằng Hóa

Ông Trần Ngọc Phiêu, Phó phòng Tổ chức nhân sự Công ty TNHH Dụng cụ thể thao Sunrise huyện Hoằng Hóa cho biết: "Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, để giữu được đơn hàng, công ty chú trọng rất nhiều vào chất lượng sản phẩm, tạo sự tin tưởng tuyệt đối đối với khách hàng".

Để ngành dệt may bứt tốc đóng góp vào sự phát triển, tăng trưởng kinh tế, xã hội của tỉnh. Với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ các cấp, ngành cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, bảo đảm công ăn việc làm, an sinh xã hội cho người lao động, đẩy lùi những khó khăn, hướng về mục tiêu phát triển theo hướng bền vững.

Nguồn: Bản tin Doanh nghiệp doanh nhân ngày 21/4/2024