Mở hướng phát triển cho ngành nghề truyền thống

13:23 - 23/04/2024

Nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, thời gian qua nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, nhiều cơ sở, doanh nghiệp tại các làng nghề truyền thống trong tỉnh đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm bớt chi phí lao động, mang lại thu nhập cao và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trước đây, nghề dệt chiếu cói của gia đình ông Nguyễn Văn Thắng xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương được làm hoàn toàn bằng thủ công nên năng suất và giá trị thu nhập đem lại không cao. Năm 2006 gia đình đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại để mở rộng sản xuất. Từ khi sử dụng máy dệt chiếu, việc sản xuất được thực hiện theo dây chuyền, mỗi ngày có thể dệt được 400 đôi chiếu, rút ngắn hàng chục lần so với dệt thủ công truyền thống. Từ hiệu quả rõ rệt của việc dệt bằng máy, mỗi năm gia đình lại đầu tư mua thêm máy mới. Hiện tại, gia đình đang có gần 20 máy dệt chiếu. Tổng thu nhập hàng năm đạt gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập dao động từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Mở hướng phát triển cho ngành nghề truyền thống- Ảnh 1.

Mở hướng phát triển cho ngành nghề truyền thống- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Thắng, Xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Gia đình chúng tôi đang mở rộng thêm, mua thêm máy để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao thu nhập cho người lao động".

Xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương có 367 ha cói, với sản lượng đạt gần 6.000 tấn cói/năm. Để nâng cao hiệu quả từ nghề trồng và chế biến cói, những năm qua địa phương đã có nhiều cơ chế khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những hộ tâm huyết với nghề được vay vốn, đầu tư mua máy dệt, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Qua đó, để nâng cao giá trị sản phẩm, các hộ làm nghề cũng đã mạnh dạn đầu tư, mua sắm máy móc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường. Hiện địa phương có 5 làng nghề truyền thống với hơn 200 máy dệt chiếu, nhờ ứng dụng công nghệ, cải tiến mẫu mã nên sản phẩm chiếu của xã có giá cạnh tranh cao, thị trường sản phẩm mở rộng trên toàn quốc.

Mở hướng phát triển cho ngành nghề truyền thống- Ảnh 3.

Mở hướng phát triển cho ngành nghề truyền thống- Ảnh 4.

Ông Hoàng Xuân Thi, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa

Ông Hoàng Xuân Thi, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Đối với Hợp tác xã, bà con Nhân dân tăng cường đầu tư máy móc đưa vào sản xuất, giảm chi phí, sức lao động, và tăng năng suất, chất lượng mẫu mã. Để phát huy và quảng bá sản phẩm, địa phương cùng Hợp tác xã đã đầu tư khu trưng bày sản phẩm OCOP và các sản phẩm sảu làng nghề".

Nhằm xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn và nguồn gốc xuất xứ cho nghề làm miến dong truyền thống, cùng với chính sách hỗ trợ từ đề tài khoa học "Khôi phục, phát triển nghề trồng và chế biến dong riềng truyền thống theo chuỗi giá trị" của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, huyện Cẩm Thủy đã xây dựng thí điểm mô hình trồng dong rềng nguyên liệu tại 2 xã Cẩm Bình và Cẩm Liên. Ngoài việc được đầu tư dây chuyền chế biến dong riềng tự động lấy tinh bột làm nguyên liệu sản xuất miến dong. Hợp tác xã Miến dong Thuận Tâm, cũng đã đầu tư mua sắm thêm các máy móc hiện đại để sản xuất, nhằm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, giúp người dân nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường 7 tấn miến dong, với giá bán từ 70.000 đến 100.000 đồng/1kg. Đặc biệt, sản phẩm miến dong của Hợp tác xã đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Mở hướng phát triển cho ngành nghề truyền thống- Ảnh 5.

Ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã Miến dong Thuận Tâm, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Từ khi được hỗ trợ máy móc, thành lập Hợp tác đẻ sản xuất ra sản phẩm miến Thuận Tâm, chúng tôi bớt được sức lao động, giảm chi phí nhân công và mẫu mã sản phẩm cũng đẹp hơn".

Xác định phát triển các ngành nghề truyền thống đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, những năm qua, huyện Nông Cống đã chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiều giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của làng nghề, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường. Đồng thời, hỗ trợ thành lập các Hợp tác xã, mở rộng quy mô các nghề, thu hút lao động. Hiện nay, huyện Nông Cống có 9 nghề, làng nghề truyền thống được công nhận. Để các ngành nghề truyền thống phát triển bền vững, huyện đã lồng ghép với chương trình xây dựng Nông thôn mới, Ocop để xây dựng các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp, Hợp tác xã phục hồi sản xuất, kinh doanh gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Mở hướng phát triển cho ngành nghề truyền thống- Ảnh 6.

Mở hướng phát triển cho ngành nghề truyền thống- Ảnh 7.

Anh Trịnh Đình Toàn, Giám đốc Hợp tác xã tre Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trước khi ra thị trường, Hợp tã xã đã có những bản test. Và chúng tôi có thể khẳng định, sản phẩm rất an toàn với sức khỏe con người. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì làm nhanh, đáp ứng  được tiêu chí của người dùng".

Để phát triển bền vững các ngành nghề truyền thống, các cơ sở, doanh nghiệp sản suất cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, luôn tìm tòi, sáng tạo, đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị công nghệ mới, thay thế thiết bị máy móc cũ, công nghệ lạc hậu để nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Cùng với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chính quyền các địa phương đang đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, từng bước xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề cao, tạo ra những sản phẩm chất lượng, khuyến khích các hộ ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, giảm chi phí,… góp phần nâng cao thu nhập và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương.

Mở hướng phát triển cho ngành nghề truyền thống- Ảnh 8.

Mở hướng phát triển cho ngành nghề truyền thống- Ảnh 9.

Ông Nguyễn Bá Châu, Xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Bá Châu, Xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Làm công nghệ thì đáp ứng được nhu cầu cho khách hàng, giảm thiểu sức lao động cho người địa phương".

Để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh cho sản phẩm ngành nghề truyền thống, tỉnh Thanh Hóa cũng chỉ đạo các sở, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, xây dựng website giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm, tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiếp cận các chính sách, nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư cải tiến công nghệ, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; tăng năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát triển các nghề truyền thống trên địa bàn.

Nguồn: Chuyên mục Khoa học và Công nghệ ngày 22/4/2024