Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn: Giáo dục vùng cao khó càng thêm khó

07:33 - 11/04/2024

Thực hiện Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612 ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc, những năm qua, nhiều địa phương vùng cao Thanh Hóa đã ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn. Thực tế cho thấy, với ngành giáo dục vùng cao, điều này đã và đang dẫn đến những khó khăn và hệ lụy lâu dài.

Trường Tiểu học Hồi Xuân, huyện Quan Hóa có 381 học sinh với 29 cán bộ, giáo viên. Ngoài điểm trường chính, trường còn có 2 điểm lẻ là điểm Cốc và điểm Khó, cách điểm chính gần 10km. Từ năm học 2021-2022, thị trấn Hồi Xuân ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn.

Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn: Giáo dục vùng cao khó càng thêm khó- Ảnh 1.

Học sinh nơi đây không còn được hỗ trợ tiền ăn, tiền ở và 15 kg gạo mỗi tháng như trước đây. Nhiều chính sách dành cho giáo viên khu vực đặc biệt khó khăn cũng bị cắt giảm. Trung bình, mỗi tháng, thu nhập của giáo viên trong trường giảm 2-3 triệu đồng/ người.

Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn: Giáo dục vùng cao khó càng thêm khó- Ảnh 2.

Cô giáo Trịnh Thị Gấm, Phó Hiệu trưởng Tiểu học hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Cô giáo Trịnh Thị Gấm, Phó Hiệu trưởng Tiểu học hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thời gian đầu giáo viên rất hoang mang, ảnh hưởng đến việc giảng dạy. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tất cả các thầy cô đã yên tâm công tác".

( Khó khăn đối với việc dạy và học, nhất là khi học sinh còn nhỏ)

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sơn Lư, huyện Quan Sơn có 187 học sinh, trong đó tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm tới 93%, tỷ lệ học sinh thuộc hộ nghèo chiếm khoảng 50%. Đa phần học sinh nơi đây đều ở xa trường, đi lại khó khăn. Sau khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, hiện tại, chế độ ưu đãi về tiền ăn, tiền ở và gạo dành cho học sinh nhà trường không còn. 

Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn: Giáo dục vùng cao khó càng thêm khó- Ảnh 3.

Cả trường chỉ có 54 học sinh được hỗ trợ chế độ ăn bán trú. Còn đối với giáo viên, phụ cấp thu hút, ưu đãi nghề, phụ cấp công tác lâu năm ở vùng đặc biệt khó khăn đều bị cắt giảm đáng kể.

Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn: Giáo dục vùng cao khó càng thêm khó- Ảnh 4.

Ông Chu Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Chu Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa: "Hiện nay, trên địa bàn huyện Quan Sơn còn 2 xã  thuộc diện đặc biệt khó khăn, còn lại 10 xã đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Điều này cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí dạy và học của giáo viên và học sinh. Trước tình hình đó, huyện cũng đã quan tâm, chỉ đạo làm sao để giáo viên và học sinh yên tâm dạy, học, đạt kết quả giáo dục tốt như đã đề ra"

Việc rất nhiều xã, thôn bản khu vực vùng cao Thanh Hóa ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn đã dẫn đến chế độ, chính sách của nhà giáo, học sinh bị ảnh hưởng, từ đó gây ra nhiều bất cập như: Thu nhập giảm sút, điều kiện sống khó khăn, nhiều giáo viên xin chuyển công tác về các huyện miền xuôi; việc thu hút giáo viên miền xuôi lên với khu vực miền núi gặp khó khăn; tình trạng học sinh bỏ học đi làm có nguy cơ tăng cao, các nhà trường gặp áp lực lớn trong việc duy trì sĩ số…

Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn: Giáo dục vùng cao khó càng thêm khó- Ảnh 5.

Không thể phủ nhận, những năm qua, tình hình kinh tế- xã hội của khu vực vùng cao Thanh Hóa đã được cải thiện rất nhiều, đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng được tăng cao so với trước. Song, thực tế cho thấy, so với miền xuôi, hầu hết các lĩnh vực kinh tế- xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục-đào tạo của khu vực vùng cao vẫn tiềm ẩn quá nhiều khó khăn, thử thách. Bởi vậy, nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của chính quyền các cấp, thì mục tiêu đưa giáo dục miền núi phát triển toàn diện, dần bắt kịp giáo dục miền xuôi, sẽ khó thực hiện trong tương lai gần.

Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn: Giáo dục vùng cao khó càng thêm khó- Ảnh 6.

Nguồn: THNM 11/04/2024