Thực hiện quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU

Với quyết tâm thực hiện mục tiêu tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản trong năm 2024, cùng với các địa phương ven biển trên cả nước, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều giải giải pháp đồng bộ, chống khai thác hải bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Thanh Hóa hiện có 6057 tàu cá, trong đó có 1095 tàu hoạt động vùng khơi, với tổng sản lượng khai thác hải sản hàng năm đạt từ 140-150 nghìn tấn. Nghề khai thác hải sản đang tạo việc làm cho 24.500 lao động trực tiếp trên biển.

Xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, thời gian qua, Ban Chỉ đạo tỉnh về IUU, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra về nội dung này tại các huyện, thị xã, thành phố ven biển và các cảng cá; tiến hành rà soát, lập danh sách tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác) để có phương án quản lý phù hợp; xử lý tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, tàu mất kết nối trên biển nhiều ngày… Qua đó, nhận thức của ngư dân, các tổ chức, cá nhân về Luật thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật được nâng lên rõ rệt.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU - Ảnh 1.

Đến nay, 100% tàu cá trong tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; việc đánh dấu tàu cá; cấp giấy phép khai thác thủy sản; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá đạt từ 95% -100%; số tàu cá còn hạn đăng kiểm đạt tỷ lệ trên 81%. Các chủ tàu cá, thuyền trưởng và ngư dân cơ bản chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhận thức được tác hại của hành vi khai thác IUU gây thiệt hại về kinh tế và lợi ích quốc gia dân tộc.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU - Ảnh 2.

Ông Hoàng Quốc Thành, Trạm trưởng Trạm Thủy sản Lạch Hới, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Hoàng Quốc Thành, Trạm trưởng Trạm Thủy sản Lạch Hới, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đặt mục tiêu thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm, để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của ngư dân".

Tuy nhiên, việc thực hiện những khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế. 4 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức trong tỉnh đã phát hiện và xử lý vi phạm 38 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 513 triệu đồng, liên quan đến các lỗi, như: ngắt kết nối giám sát hành trình, không ghi nhật ký khai thác, không báo cáo khi cập cảng, rời cảng; khai thác sai vùng…

Thực hiện quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU - Ảnh 3.

Chỉ thị số 32 ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản xác định rõ: công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững của ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp chống khai thác IUU - Ảnh 4.

Đợt làm việc với Đoàn thanh tra EC lần thứ 5 vào tháng 6 tới đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tháo gỡ "thẻ vàng" thủy sản. Thời gian không còn nhiều, do vậy, ngành chức năng, các địa phương liên quan trên địa bàn tỉnh cần quyết liệt hơn trong tuyền truyền, quản lý đội tàu, kiểm tra và xử lý vi phạm. Đặc biệt, mỗi người dân cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động nghề cá, góp phần cùng ngành thủy sản cả nước sớm đạt được mục tiêu tháo gỡ "thẻ vàng của EC".

Nguồn: Bản tin THNM/TTV