ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 07/09/2023 15:23

Truyện ngắn: “Duyên tình ăn xin” | Ngân Hằng | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn "Duyên tình ăn xin" của Nhà văn Ngân Hằng qua giọng đọc Nguyễn Hường.

Hắn vốn xuất thân từ miền biển. Cái vùng quê chỉ suốt ngày có nắng và gió. Hắn được sinh ra là báu vật cho cả dòng họ. Cái dòng họ đã bốn đời nay trai tráng đánh cá, kéo chài, đàn bà con gái nhặt nhạnh từng con ốc, con tôm bằng que tăm đem ra chợ bán, nghèo vẫn hoàn nghèo. Tuy nghèo nhưng hắn lại được nuôi nấng đầy đủ, chẳng thiếu thứ gì, nhưng giờ nhớ lại hắn vẫn thích nhất là đôi chân của mình. Đôi chân mỗi buổi chiều lại lang thang hết cồn cát này sang cồn cát khác, đôi chân chạy dài trên những con nước khi thuỷ triều lên, nhanh như cơn gió biển. Rồi một ngày nọ (cũng không rõ nữa), chỉ biết rằng hôm đó đã là ngày thứ ba, cha mẹ hắn theo thuyền đánh cá. Cũng như mọi lần khi bố mẹ vắng nhà, hắn ra bãi chờ thuyền. Lúc đó dân làng đổ ra biển đông lắm, họ nhìn về phía xa rồi than ngắn thở dài, gương mặt ai cũng đều lộ vẻ lo lắng, phấp phỏng và dự báo về một cơn bão. Mặt biển bình lặng lạ kỳ, gió nồng nặc, những con sóng chậm rãi đổ vào bờ. Nhưng khi hoàng hôn chưa kịp buông xuống, bầu trời đen kịt, gió cuộn lên cuốn theo hàng dừa khiến chúng vặn vẹo. Biển giống như một quái vật đang ngủ say giấc bỗng giật mình chồm dậy. Những mái nhà như người đàn bà đau đẻ rên rỉ, nhăn nhúm. Tất cả bắt đầu hoảng loạn. Có bàn tay ai đó mạnh lắm lôi hắn chạy đi xềnh xệch. Mắt hắn vẫn dán về phía biển, nghe bên tai mình tiếng gọi của bố mẹ vọng lại. Hắn giật phắt người vào lao nhanh về phía biển. Bão biển dữ dội.

Sau cái đêm bão biển đó, người ta thấy hắn nằm sóng soài trên cát mê man bất tỉnh, cả người hắn bị cây đè nặng, be bét máu. Một tháng sau khi qua cơn nguy kịch, hắn đã là đứa trẻ tật nguyền, lại gánh thêm số phận mồ côi. Nhìn đôi chân mình cứ teo dần đi, hắn mới cảm nhận hết nỗi đau. Bố mẹ mất, hắn về ở với chú ruột. Nhà chú nghèo nhất làng, lại đông con mà toàn con gái, đứa nào cũng đen nhẻm, gầy gò và rách rưới. Có hắn về, lưng chú còng hơn. Ở với chú được chừng nửa năm, mắt hắn cứ mờ dần. Chiều chạng vạng hắn giống như một đứa mù ngồi mò mẫm thời gian. Hắn ốm, chú thím hắn cãi nhau liên tục, lúc đầu còn to nhỏ, sau kéo nhau ra tận làng mà kêu réo. Hắn đủ lớn để hiểu tất cả. Rồi khi chiếc ô tô về làng mua cá, hắn lê lết cái chân tật nguyền của mình trốn lên xe. Chiếc xe lao đi như một mũi tên về phía phố thị.

- Này nghĩ gì mà đần mặt ra thế? Hôm nay làm ăn khá không?

Hắn giật mình nhìn thị. Thị đứng trước mặt hắn tròn trĩnh, gương mặt phúng phính khẽ nở nụ cười âu yếm.

- Cũng tạm, đủ chốc nữa bao mình bát phở.

- Gớm nhỉ! Học đòi dân phố chơi sang hả? Đâu đưa đây tớ xem được nhiều không nào?

Vừa nói thị vừa thoăn thoắt lấy cái bị cói bên hông hắn, bốc ra một nắm tiền lẻ, cả giấy lẫn xu. Chiếc đầu thị gật gù mỗi khi tay chạm vào tờ năm hay mười nghìn gì đó. Tiếng thị có vẻ hồ hởi.

- Được bảy mươi ngàn dư chín trăm lẻ. Kiểu này tớ đổi nghề qua làm với mình thôi, chứ nghề của tớ cực quá mà không lời bao nhiêu.

Tưởng thị nói thật, hắn vội vàng lê chân đến bên, xua tay lia lịa, miệng năm, miệng mười.

- Ấy… ấy... đừng. Mình xinh thế làm sao đi ăn xin giống tôi được, có chăng thì mình ở nhà... tôi nuôi.

Thị nghe vậy cười ré lên. Hắn ngơ ngác cố rướn đôi mắt lờ mờ của mình để thấy rõ hơn. Nhưng bất lực. Hắn chỉ thấy bên cạnh mình hình thù một người đàn bà đang chống tay lên đùi. Thị ngồi xổm, chăm chú quan sát hắn, từng điệu bộ, cử chỉ của hắn khiến thị nữa như muốn cười nữa như thương xót.

- Mắt mũi thế mà biết tớ xinh? Khen tớ xinh như Thị Nở chứ gì? Đùa thôi. Ai lại đi tranh phần với kẻ ăn xin bao giờ.

Lời nói vô tình của thị, kiến hắn thấy dợn buồn. Phải, hắn ăn xin, nhưng là ăn xin có tự trọng. Sau khi dời bỏ cái miền biển mặn chát, bò lê bò lết xuống thành phố. Không có sức khoẻ, chỉ có đôi chân tàn tật, và đôi mắt gần như mù, hắn thập thõng bước đi hết con phố này qua con phố khác. Trụ được mấy ngày thì gục ngay xuống bên gốc cây, lúc đó trông hắn tội nghiệp lắm, hai gò má nhô lên, râu ria lởm xởm, ai đi qua cũng ái ngại. Họ cúi xuống ném những đồng tiền lẻ, rồi lắc đầu bỏ đi. Hắn không hiểu, nhưng mừng thầm vì mình có tiền, có người giúp. Hôm sau, người ta vẫn ném xuống cho hắn những tờ tiền, rồi bảo nhau: "Cho ăn mày làm phúc", hắn mới giật mình nhận ra mình đã là thằng ăn xin trong mắt họ. Hắn tặc lưỡi nhủ thầm: "Ừ thì ăn xin đã làm sao? Ăn xin còn hơn ăn cướp". Và đến nay, hắn chưa bao giờ chèo kéo lòng thương hại của ai cả. Hắn cứ ngồi đấy trên tay cầm thêm cái ca đã gỉ gần hết, người đi qua tự động bỏ tiền vào, không ai bắt ép. Vậy mà thị… Hắn không nén được tiếng thở dài. Lòng hắn nặng như đeo đá. Hắn buồn vì mình không được lành lặn như người ta, để mang lại cho thị một người đàn ông hoàn chỉnh. Điều làm hắn sợ nhất không phải là những tay đàn anh, đàn chị thường lăm le đòi "đóng phí làm ăn", cũng không phải là những lần bị công an cho vào đồn, vì cái tội "làm mất mỹ quan thành phố". Hắn sợ, đơn giản chỉ là những cơn giận vu vơ của thị, của người đàn bà đời hắn. Có lần vì sai hẹn, thị giận liền mấy hôm, khiến hắn ăn không ngon, ngủ không yên. Lúc nào cũng bồn chồn, ngay ngáy trong lòng. Hắn yêu thị đến mụ mị đầu óc. Vậy mà thị lúc thì dửng dưng, lúc lại ồn ã khiến hắn nơm nớp. Mà cái sự đời thật lạ. Mắt kém hắn chưa một lần nhìn rõ mặt thị vậy mà hắn vẫn yêu, yêu cần mẫn như con ong thợ vậy. Mỗi khi nghĩ đến thị, lòng hắn lại nhốn nháo lắm.

*

Thị sinh ra và lớn lên trên mảnh đất trung du, nơi có những ngọn đồi xanh ngát tầm mắt, và mỗi chiều về mê mải với tiếng chim rừng. Nhà thị vào loại khá, lại ưa nhìn. Năm thị mười sáu tuổi, thì bố thị mắc bệnh hủi, các khúc tay, khúc chân bong tróc, cụt dần. Đi đâu cũng chỉ thấy những lời bàn ra tán vào, rằng nhà thị làm ăn thất đức nên mới bị quả báo, thị và tất thảy những người liên quan đến bố thị đều là một. Bao nhiêu tiền bạc, đồ đạc trong nhà cứ lũ lượt về tay thầy lang, mà bệnh vẫn không đỡ. Đến khi cha thị trút hơi thở cuối cùng, nhà vẫn trống huơ trống hoác. Chưa được năm mươi ngày cho chồng, mẹ thị đã vội vàng khăn gói theo người đàn ông khác, để lại cho thị sự tủi nhục ê chề. Mười tám tuổi thị dời quê lên thành phố. Thị gặp hắn trong một lần đi nhặt rác.

Lần ấy thị mon men đến gần. Mắt sáng hơn khi thấy hắn đeo một cặp kính râm to sụ, chắc mù. Thị nghĩ thế. Thị chưa kịp kéo chiếc bao tải đựng đầy vỏ lon thì đã bị bàn tay hắn túm chặt, với giọng nói hết sức đanh thép:

- Làm gì thế? Định chôm của thằng này hả?

Thị bất ngờ, ú ớ không rõ tiếng.

- Tôi…tôi…định trông giúp anh thôi mà.

- Định hay nhỉ? Ai mượn trông mà hóng hớt, đúng là đàn bà. Tưởng tôi đui thật hả, chỉ năm mươi - năm mươi thôi, cô em ạ.

Thị cười ré lên. Lần đầu tiên hắn nghe người đàn bà cười tự nhiên đến vậy, tiếng cười rất vang làm hắn hơi chững lại.

- Ui dời! Lại có mù năm mươi thật hả? Cho kiểm tra cái xem nào.

Vừa nói thị vừa tháo ngay đôi kính râm khỏi mắt hắn. Đôi mắt mở to nhưng lòng trắng đục ngầu, xen lẫn những đường máu dài như sợi chỉ đan nhau, xoắn xít. Thị thôi cười, chăm chú nhìn hắn. Cái giây phút lần đầu tiên có bàn tay đàn bà lướt nhẹ qua má, hắn cảm giác cả người mình như có luồng điện chạy qua, nhưng thật mềm mại. Hắn thấy chân mình lành lặn như xưa, trôi đi theo biển dập dìu. Dù không nhìn rõ mặt thị nhưng hắn biết thị đẹp lắm, đẹp nhất trong những người đàn bà hắn gặp từ trước đến nay.

- Ừ! Mù năm mươi thật. Nhưng nhìn sáng sủa đấy, chỉ tội…

Thị bỏ lửng câu, nhìn xuống đôi chân của hắn đang nằm thõng thượt trên đường. Hắn hiểu ý, nhưng rồi cũng khoả lấp.

- Ngày nào tôi chẳng xin lòng thương hại, nên không phải thương cho tôi nữa đâu. Quen rồi. Cũng giống "mình" thôi, người đẹp thế mà phải đi lượm rác.

Thị ngồi phịch xuống, tay chống cằm, mắt đăm chiêu ra điều nghĩ ngợi. Thị không để ý đến sự bẽn lẽn và cách xưng hô của hắn đã khác thường. Mà phản đối được gì, khi xung quanh thị chỉ là một mùi ẩm mốc, bẩn thỉu, thì hắn còn có giá trị gấp hàng vạn lần những thứ người ta thải ra. Hắn hết sức cung phụng, chiều chuộng thị, và có cái ga lăng của một thằng đàn ông… ăn mày. Đã có lần thị nói với hắn "Tớ sẽ làm đôi chân thay mình, giúp mình đi hết chặng đường phía trước, nhưng với điều kiện tất cả lời lãi trong ngày phải do tớ quản lý, đồng ý không?". Hắn đã ngẩn mặt ra, nhìn xuống đôi chân chắc nịch của thị, đôi chân có những vết nứt, vết rạn như bụng người đàn bà mới đẻ. Nghe vậy hắn thấy lòng mình mát lắm, nhưng vẫn lắc đầu nguầy nguậy: "Chân của mình là chân đàn bà, còn chân tôi dù tật nguyền teo tóp nhưng vẫn là chân đàn ông. Mà muôn đời đàn ông luôn khoẻ hơn đàn bà". Thị cong cớn hứ lên một tiếng, rồi bặt nhiên từ đó không bao giờ nhắc đến nữa.

*

Hắn mệt mỏi sau một ngày lê la kiếm ăn. Dạo này làm nghề của hắn phải cạnh tranh ghê lắm. Cứ nghĩ thời buổi này ăn xin là mạt hạng nhất, chỉ có những người què cụt, mất sức lao động như hắn mới cắn răng mà làm. Vậy mà bỗng nhiên "đồng nghiệp" của hắn xuất hiện nhiều như kiến cỏ, trông ai cũng rách rưới bẩn thỉu, người thì cụt tay, người thì mù mắt, kẻ lại câm đặc, méo mồm thêm hết bệnh này bệnh khác… Họ đáng thương hơn hắn. Lúc đầu hắn tưởng vậy nên chép miệng nhủ "chắc họ cùng đường". Nhưng rồi hắn cay đắng nhận ra những phần thiếu hụt đó lại đầy đủ trong những miếng vải được ngụy trang rất cẩn thận. Đã thế họ tìm mọi cách để moi tiền của thiên hạ, không thiếu một thủ đoạn nào. Cho, thì nước mắt ngắn nước mắt dài kể lể rồi cảm ơn, không cho thì thẳng thừng tru tréo lên chửi. Người qua đường chỉ còn biết ngán ngẩm bỏ đi. Thế là bỗng chốc chỗ kiếm ăn béo bở bị cắn xé thành mớ vải vụn. Mà dạo này hắn lại hay đau yếu, cứ phải thuốc thang luôn.

Hắn ngửa mặt lên trời, nén lồng ngực lép kẹp hít một hơi thật sâu, rồi thở ra nhè nhẹ. Trời đang độ vào thu, những hơi gió cứ le phe trên tán cây xen lẫn mùi hoa sữa nồng nã. Thành phố về đêm mới có cái thanh tịnh hiếm hoi. Trên đường chỉ còn lại lưa thưa vài bóng đàn bà ăn sương, họ nhìn hắn chòng chọc, rồi ể oải lê mình đứng nép vào góc cây. Hắn ngán ngẩm cho những cảnh đời phiêu bạt. Đường về nhà tối om. Khu nhà được dựng lên ẻo ợt bằng những tấm cót ép sát vào nhau. Nơi đây chỉ dành riêng cho dân tứ xứ chủ yếu là lao động chân tay. Nhiều đêm hắn nằm không ngủ được, tai cứ vểnh lên theo những tiếng rên rĩ, kêu la làm tình của gái làng chơi với vài kẻ vai u thịt bắp, những tiếng rên bản năng thú tính nhất. Hắn ghê sợ, nhưng vẫn chấp nhận. Đưa tay định kéo cánh cửa bước vào, hắn chợt sững lại vì hình như vừa va vào cái gì đó rất mềm. Hắn lôi trong túi "đồ nghề" của mình ra chiếc đèn bin đã ngã sang màu nâu kịt. Dưới ánh sáng yếu ớt hắn giật mình nhận ra một người đàn bà máu me be bét       

- Cứu… cứu… làm ơn.

Tiếng người đàn bà ngắt quãng. Hắn ngó quanh những vách nhà bên cạnh. Tối om. Tất cả đã chìm trong màn đêm chỉ có duy nhất hắn và người đàn bà này.

Căn nhà chừng mười lăm mét vuông, không có vật dụng gì cho ra hồn, vài ba cái bát sứt sẹo, bộ ấm chén mẻ quai, và một chiếc giường đã bị mọt ăn gần hết, loang lỗ. Hắn tìm chậu, lau qua vết thương cho cô. Một khuôn mặt trát bự phấn, đôi mắt bị đánh cho dập máu, thâm sì, toàn bộ phần má bên phải sưng vù lên. Hắn cứ bần thần đứng nhìn người đàn bà trước mặt. Một lúc sau dường như cái mệt cũng nặng cả mí mắt, hắn lôi chiếc chiếu rách tơi, lót thêm mấy tờ báo rồi thản nhiên nằm xuống. Ngoài trời gió rít lên từng cơn, những tấm cót mỏng tang xô nhau kẽo kẹt.

Cô ngồi đối diện với hắn. Mái tóc che hết bên mặt bị sưng. Hắn lập cập đưa bắt cháo ra, tay run run.

- Đỡ mệt hẳn chưa? Tên gì? Nhà đâu để tôi nhắn.

- Em đỡ nhiều hơn rồi. Em là Quyên. Anh không phải báo cho ai cả.

- Vậy cô nghỉ cho khoẻ, tôi phải đi làm bây giờ. Thức ăn tôi để trên chạn, nếu đói tự nấu mà ăn. Tối tôi mới về.

Quyên gật đầu. Hắn thậm thọt ra khỏi nhà.

Ngày... tháng... Dường như đã quá quen với hình bóng Quyên, quen với tối tối có mâm cơm đạm bạc, người đàn bà chờ mình mỗi đêm. Những ý nghĩ quẩn quanh đó rồi cũng vội tan nhanh, khi trong lòng hắn đang còn mãi bận tâm đến thị. Đã ba tháng nay, thi thoảng thị mới ghé thăm hắn, mà dạo này thị khác lắm. Thị đã biết tô môi mình thêm đỏ, đánh má mình thêm hồng. Đôi mắt thôi không lúng liếng mỗi khi nhìn hắn nữa. Bao vỏ lon cứ chất đầy trong xó nhà. Có lần hắn thấy thị ngồi sau xe một người đàn ông, tay thị ôm lấy eo, tiếng cười rộ lên. Hắn ngẩn ngơ nhìn. Thị thờ ơ thả lại đằng sau những vòng khói xe xám xịt. Tim hắn vỡ ra và tái dần. Hắn bước đi trong màn mưa lây phây chuyển mùa.

*

- Anh cố ăn nốt bát cháo cho lại sức. Đừng suy nghĩ nhiều.

Hắn gượng dậy nhìn người đàn bà trước mặt. Hắn ốm đã hơn tuần nay, chân tay đau nhức ghê gớm, đầu lúc nào cũng hiển hiện hình ảnh thị và người đàn ông kia. Hắn ghét thị, hận thị rồi trút sang Quyên. Mỗi lần sức nén gần như cạn kiệt, có bao nhiêu đồ đạc trong nhà, hắn đều ném hết xuống sông. Quyên ngăn, bị hắn xô ngã vào miếng bát vỡ dưới nhà, máu loang chảy. Hắn sựng lại giây lát, nhưng đôi mắt đục lên đỏ ngầu. Quyên vội vàng mím môi lại lấy giẻ lau sạch. Hôm sau, khi hắn trở về nhà, đã không thấy Quyên ngồi đợi nữa. Hắn thấy đôi chút trống trải nhưng lại tặc lưỡi: "đàn bà khốn nạn như nhau cả thôi". Vậy mà giờ đây, khi hắn ốm quăn, ốm cốc, khi không có ai bên cạnh chăm nom, ngó ngàng, thì Quyên trở về. Hắn hơi ngạc nhiên nhưng vẫn im lặng.

- Thấy anh đã đỡ, em xin phép anh cho em được ra đi.

Giờ hắn hốt hoảng thật sự.

- Cô đi? Mà đi đâu?

Quyên nhẹ ngồi xuống bên chiếc ghế, gương mặt buồn buồn, ánh mắt không nhìn hắn mà trở nên tư lự.

- Em phải đi anh ạ, không còn thời gian nữa rồi.

Quyên ngừng lại giây lát lấy hơi, nhấp cốc nước xong, giọng đều đều trầm đục.

- Em vốn là đứa trẻ lớn lên trong trại mồ côi. Chịu bao đắng cay, tủi cực, lẫn nước mắt, giận hờn. Niềm đam mê lớn nhất trong cuộc đời em là thanh nhạc. Mười lăm tuổi em vào một đoàn văn công có tiếng. Sau khoá học, đủ tuổi đứng trên sân khấu em bắt đầu đi hát. Bằng tài năng cũng như sắc đẹp, em dần dời bỏ quán bar, phòng trà để đến với những sân khấu lớn hơn. Em bắt đầu quen nghe những lời ca tụng, quen đến những nhà hàng sang trọng và quen nhận lời mời của những kẻ lắm tiền, nhiều của. Em sống trong men say và ánh đèn sân khấu giữa sự cao ngạo đó. Em đã nổi tiếng.  Rồi như định mệnh, em đã yêu. Yêu bằng tất cả những gì trinh trắng nhất của người con gái. Anh ta là con một cán bộ cấp cao, nhà giàu lại mới du học từ Anh về. Những cuộc vui thú cứ dần hút chặt chúng em lại với nhau. Sống trong bao bọc một thời gian, em xa ánh đèn sân khấu, xa niềm đam mê của mình với đứa trẻ đang lớn lên trong bụng. Nhưng trớ trêu thay, hạnh phúc lúc đó chỉ giống như bong bóng xà phòng, đầy mầu sắc, mong manh và dễ vỡ. Trong một cuộc thanh tra, bố anh ta là người đứng đầu danh sách bị truy tố trước pháp luật, với tội danh lợi dụng chức quyền để tham nhũng. Em biết tin này khi cả gia đình anh ta đã cao chạy xa bay ra nước ngoài.

Quyên ngừng kể, những giọt nước mắt trào ra. Giờ hắn mới có dịp nhìn cô gần hơn. Quyên đẹp thật, đôi mắt to tròn với  hàng mi cong vút, mái tóc dài đen nhánh búi cao để lộ chiếc cổ với làn da trắng ngần.

- Sau đó cô trôi dạt về đâu?

- Em cay đắng trở lại cô nhi viện, sinh con xong lại bập bõng đến với quán bar. Nhưng một ca sỹ đã bị dư luận lên án thì khó có thể làm lại từ đầu. Em đành chấp nhận đi hát ở những vũ trường. Phải nói thêm rằng làm ca sỹ vũ trường không khác một vũ nữ là mấy, cũng cần phải có bảo kê, cũng phải đóng phí. Người ta bảo gái một con trông mòn con mắt thật quả không sai, anh ạ. Cái vẻ mặn mòi, tròn đầy của một phụ nữ nơi em đã lọt vào mắt xanh một gã anh chị. Vì cần tiền để trang trải cuộc sống em chấp nhận làm người tình của hắn. Hắn mua nhà, chu cấp tiền bạc cho em. Biết hắn làm ăn phi pháp, nhưng em không quan tâm, bởi em là gì trong hàng chục gái bao mà hắn có. Nhưng rồi một lần tình cờ nghe bọn đàn em hắn kháo nhau rằng, hắn đã dính HIV. Em như bị sét đánh. Em vội đến bệnh viện, kết quả dương tính. Đằng nào em cũng chết, hắn cũng chết tại sao em không tự tay giết hắn để trả thù. Hắn sống thêm ngày nào sẽ mang bệnh cho người khác ngày ấy. Em âm thầm chờ cơ hội. Như mọi lần sau khi ân ái xong, hắn nằm phưỡn cái bụng trắng nhễu của mình trên giường, nhìn vẻ mặt thoả mãn của hắn, em không ngăn được sự phẫn nộ. Lúc đó em như bị ma ám, đưa tay rút con dao gọt hoa quả. Nhưng chưa kịp đâm thì hắn bỗng tỉnh dậy. Nhát dao sượt qua bên má hắn cắm phập xuống tấm ga trắng, máu nhỏ giọt. Rồi như một con báo bị thương, hắn lồng lên túm lấy em ra sức mà đánh, đánh chán hắn lại lấy muối xát vào những vết thương đó. Sợ em bỏ trốn, hắn cho đàn em canh giữ cẩn thận. Nhưng may thay, có một thằng mê mẩm em, nên em mới được thả ra. Em chỉ còn biết cắm đầu mà chạy, đến khi kiệt sức và ngã qụy xuống cửa nhà anh.

Ngoài trời đêm đã vãng, những ánh sáng mờ hắt vào căn nhà. Hắn và Quyên đã thức trắng đêm. Trước đến nay hắn vẫn có phần khinh rẻ Quyên, tưởng Quyên cũng giống bao đàn bà bán thân, cho đàn ông thể xác của mình vì vài đồng bạc vụn. Ngờ đâu... cuộc đời thật trớ trêu. Hắn muốn an ủi đôi chút, nhưng sao miệng hắn cứng đơ ra, tay chân vốn thiếu hụt bỗng trở nên thừa thãi.

- Thế còn đứa trẻ, ý tôi là con cô ấy, giờ nó ra sao?

Không trả lời hắn, Quyên sấp ngửa quỳ xụp xuống đất, mếu máo, khẩn cầu.

- Em lạy anh, anh đã cứu em, giờ đây xin anh hãy ra tay làm phúc, kẻo con em phải sống mồ côi cả đời. Vâng, bệnh của em không còn sống được bao nhiêu nữa, anh hãy nuôi giúp con em khôn lớn được không ạ? Dù anh có tật nguyền nhưng em tin anh sẽ là một người cha tốt. Đây là số tiền em dành dụm, không nhiều, nhưng cũng đủ để anh có thể mở một của hàng nhỏ, buôn bán sống qua ngày.

Quyên lấy ra từ chiếc túi những tập tiền, lần đầu tiên hắn thấy nhiều tiền đến vậy.

- Tôi…tôi..

Quyên tiến lại gần, cầm bàn tay hắn áp vào má mình. Hắn thấy luồng điện lại chạy qua người như khi thị chạm vào vậy. Gò má Quyên hôi hổi.

- Em biết mình không đáng cầu xin anh một điều gì, nhưng những ngày qua được anh chăm sóc, em thầm yêu thương anh, khi người ta đến gần cái chết mới thấy hạnh phúc giá trị đến mức nào, thèm sống đến mức nào, anh ạ. Vì cuộc sống, anh đã phải đi xin rất nhiều, thì hôm nay em sẽ làm người xin anh, cho dù đó chỉ là duyên tình em xin được.

Hắn đờ người. Lần đầu tiên trong đời, hắn được nghe câu nói yêu thương, câu tỏ tình của một người phụ nữ dành cho mình. Một cô gái xinh đẹp yêu một thằng tật nguyền? Trong cả giấc mơ hắn chưa bao giờ nghĩ đến. Hắn mơ hồ nhận ra lòng mình khang khác. Bên vách nhà những tiếng lích rích của lũ chuột đang mùa sinh sản cứ rộ lên.

*

Thằng bé từ ngoài chạy vào căn nhà nằm cuối con phố nhỏ, nó đến bên người đàn ông, miệng toe toét.

- Bố…bố, con có phiếu bé ngoan rồi nè.

Người đàn ông bế đứa bé vào lòng, âu yếm

- Cu Bim giỏi lắm, con mang vào khoe với mẹ đi, chốc bố thưởng.

Chiếc đầu nhỏ khẽ gật, nhanh nhảu đến bên khung ảnh người đàn bà, khói hương thắp đỏ, nó cẩn thận dán thêm tấm phiếu bé ngoan vào chiếc bảng dài đã kín đặc. Đôi mắt nó mở to, gương mặt bụ bẫm, miệng lúc nào cũng mỉm cười.

Người đàn ông không ai khác là hắn. Nhìn cảnh tượng thằng bé hắn lại chạnh lòng. Sau khi Quyên mất, giữ lời hứa, hắn đến cô nhi viện đón thằng bé về. Với số tiền Quyên để lại, hắn từ bỏ nghề ăn xin, rồi mở gian hàng tạp hoá này. Cuộc sống coi như cũng đủ cho hai bố con.

Tiếng lạch phạch làm hắn giật mình ngẩng mặt lên. Trước mặt hắn người đàn bà đội chiếc nón lá xùm xụp, quần áo rách rưới để lộ ra những mảng thịt, da bong tróc như vẩy cá, thi thoảng vẩn lên một mùi tanh khẳn. bàn tay người ăn xin bị cụt mất hai ngón. Bà ta gỡ chiếc nón khỏi đầu chìa ra. Hắn sửng sốt.

- Mình...Phải mình đó không?

- Không...không, anh nhận nhầm người rồi. Tôi… tôi ăn xin.

Người ăn mày không phải ai khác chính là thị, người đã bỏ hắn ra đi vì hạnh phúc khác. Giờ đây nhìn thị tiều tụy và đáng thương. Qua giây phút ngỡ ngàng, thị giật mình bỏ chạy, nhưng không may lại va ngay vào một người khách đang bước vào. Thị ngã dúi, ngã dụi.

- Mình có sao không? Đừng bỏ chạy nữa, tôi đã đi tìm mình, ai ngờ giờ gặp nhau thế này.

Thị nhìn hắn, ánh mắt hiền từ, ấm áp của hắn làm thị tức tưởi. Thị khóc như bị ấm ức, khóc như đứa trẻ ăn vạ.

Trong căn nhà, ngoài bố con hắn, hôm ấy, có thêm một người đàn bà Căn nhà sáng điện. Sau khi cho thằng bé ngủ, hắn và thị ngồi đối diện nhau. Thị ngồi yên, trước hắn, thị thấy mình thấp kém và hèn hạ đến vậy. Những ngày cũ ùa về dữ dội, những ngày hắn còn là kẻ ăn xin, thị là người đi nhặt rác. Nghèo nhưng vui và đáng sống. Thị bắt đầu câu chuyện bằng sự ưu ái của ông chủ dành cho mình. Lần đầu tiên được ông ta đưa vào những nhà hàng sang trọng, tặng những đồ đắt tiền, thị như người bước chân vào thế giới khác. Thế giới sợ mùi rác rưởi, sợ những lần gặp cái anh chàng tật nguyền. Thị bắt đầu mơ ước được làm bà chủ, được sung sướng, được nằm trên những tấm đệm thơm mùi nước hoa ướp lạnh. Nhưng trớ trêu thay, khi ước mơ mới chỉ bắt đầu, khi thị đã bị ông chủ chiếm đoạt, thì từng ngón tay, ngón chân thị tê buối, nhưng nhức, dần dà da bong tróc, rồi lở ra từng mảng. Phần thịt ở ngón tay thị mỗi đêm như bị chuột gặm mất, ngắn dần. Thị biết mình bị mắc căn bệnh quái ác. Đau đớn hơn, ông chủ bắt đầu hắt hủi và ghê sợ thị như một loại gớm giếc nhất. Thị nhận ra đã đến lúc mình phải ra đi. Thị tìm đến trại phong, và ở đây được các bác sỹ tận tình cứu chữa. Bệnh thuyên giảm, thị rời làng phong trở về thành phố. Về rồi nhưng những dấu vết trên thân thể thị vẫn là nỗi ám ảnh đối với mọi người. Họ xa lánh, thậm chí phỉ nhổ vào thị. Không có cái ăn, thị phải khoác bị cói ăn xin qua ngày.

Câu chuyện thị kể vừa dứt, từ trong phòng vọng ra tiếng trẻ ú ớ gọi mẹ. Cả thị và hắn bừng tỉnh. Như một phản xạ tự nhiên, thị cuống cuồng chạy vào ôm lấy thằng bé, tiếng thị rất nhẹ gần như thủ thỉ:

- À… à… mẹ đây… mẹ đây.

Được vỗ về, thằng bé chồm dậy ôm chặt lấy thị, miệng mếu máo.

- Mẹ! mẹ đừng bỏ con đi nhé. Con nhớ mẹ lắm.

Chiếc xe lăn tiến vào, nhìn thấy cảnh tượng đó, hắn len lén đưa tay lau những giọt nước mắt đang chực trào ra. Trong đầu hắn, cảnh một gia đình hiện rõ. Hắn thấy mình trở lại thời còn ăn mày. Một thằng ăn mày xin được chút duyên tình rơi vãi mà vui, mà hạnh phúc. Đêm rằm, trăng dập dềnh len lỏi mây, sáng trong đến kỳ lạ.


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận