Bệnh nhân mắc Whitmore tại Thanh Hóa diễn tiến nặng

20:26 - 12/09/2023

Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đang tiếp nhận điều trị một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore có diễn biến rất nặng.

Bệnh nhân là nữ, sinh năm 2008, ở xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương. Trước khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, từ ngày 22/8, bệnh nhân đã có các biểu hiện như: ho, sút cân nhiều, sau đó sốt cao liên lục, mệt mỏi. Bệnh nhân tự mua thuốc uống tại nhà, sau đó có đến khám và điều trị tại 1 số cơ sở y tế. Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm mà diễn biến ngày càng nặng.

Bệnh nhân mắc Whitmore tại Thanh Hóa diễn tiến nặng - Ảnh 2.

Ngày 4/9, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng: suy tuần hoàn hô hấp, mạch nhanh, nhỏ, tụt huyết áp, tím tái, hôn mê, tình trạng nguy kịch. Theo đánh giá ban đầu, bệnh nhân bị viêm phổi nặng, suy gan, suy thận, bệnh nhân có bệnh lý kèm theo là tiểu đường và béo phì. Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, điều trị kháng sinh, điều chỉnh đường huyết. Kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định bệnh nhân bị Whitmore.

Thạc sỹ, Bác sỹ Ngô Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa

Các bác sỹ cho biết, bệnh Whitmore có nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm, gây nhiễm trùng ở người và động vật thông qua tiếp xúc trực tiếp với bụi bẩn, nước, đất bị ô nhiễm, đặc biệt là người có vết thương hở.

Thạc sỹ, Bác sỹ Ngô Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: "Whitmore là bệnh hiếm gặp nhưng bệnh thường tiến triển nặng, có tỉ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán".

Người mắc Whitmore có thể có các triệu trứng như: nổi những nốt sần đỏ, mưng mủ gây loét da, sốt, sụt cân, đau bụng hoặc đau ngực, đau cơ hoặc đau khớp. Các chuyên gia y tế cho biết, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh whitmore như: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm; sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV