Các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn hướng tới xuất khẩu

Vượt qua những khó khăn về nguyên liệu đầu vào và biến động của thị trường, các nhà máy sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang tích cực đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xuất khẩu, góp phần ổn định thu nhập cho người lao động.

Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh, thuộc Công ty cổ phần Sản xuất chế biến Nông lâm sản và Vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh. Với công suất năng lực chế biến hơn 1.000 tấn củ tươi/ngày và có vùng nguyên liệu hơn 7.000 ha, tập trung ở các huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Thường Xuân, Triệu Sơn, Cẩm Thủy và Mường Lát. Nhờ việc áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường nên sản phẩm tinh bột sắn của nhà máy đạt chất lượng tốt và được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Từ tháng 10/2023, đến nay, Nhà máy đã thu mua và chế biến được 60 ngàn tấn sắn củ, giá trị xuất khẩu ước đạt hơn 7 triệu USD.

Các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn hướng tới xuất khẩu- Ảnh 1.

Các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn hướng tới xuất khẩu- Ảnh 2.

Ông Ngô Tiến Quang, Phó Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Ông Ngô Tiến Quang, Phó Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất chế biến nông lâm sản và vật tư Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hiện nay, nguồn đầu vào của công ty ổn định; đầu ra của công ty có nhiều đối tác nên rất tốt. Nguồn hàng chủ yếu xuất đi Trung Quốc và đang vươn ra Ucraina, Nhật Bản… đảm bảo việc làm cho người lao động. Thời gian tới, công ty cố gắng đầu tư, mở rộng vùng nguyên liệu, đảm bảo đời sống cho công nhân được tốt hơn".

Hiện tại, Nhà máy đang tạo việc làm thường xuyên cho 160 lao động với mức thu nhập 8 triệu/người/ tháng. Làm việc tại đây, người lao động còn được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đầy đủ và các chế độ phúc lợi khác.

Anh Lê Văn Thực, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Tôi hiện tại công tác tại đây được 7- 8 năm. Công ty phát triển, đời sống của anh em chúng tôi được cải thiện, thu nhập ổn định… Công ty đảm bảo công việc không ngắt quãng, mọi chế độ đãi ngộ chu đáo".

Còn Nhà máy chế biến nông - lâm sản xuất khẩu Như Xuân, Công ty Cổ phần vật tư tổng hợp Thanh Hóa cũng được biết đến là một trong những doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn có quy mô lớn tại Thanh Hóa. Nhà máy có công suất chế biến đạt trên 900 tấn củ tươi/ngày. Trải qua hơn 20 năm hoạt động, Nhà máy luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với bà con vùng nguyên liệu, góp phần, cải thiện, tăng thu nhập cho người lao động nói riêng và người nông dân nói chung; đóng góp tích cực trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, nguyên liệu đầu vào nhưng Nhà máy vẫn duy trì hoạt động thường xuyên, đảm bảo việc làm cho 160 lao động với mức thu nhập trung bình là 6-9 triệu đồng/người/tháng.

Các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn hướng tới xuất khẩu- Ảnh 3.

Các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn hướng tới xuất khẩu- Ảnh 4.

Anh Lê Văn Hoàng, Nhà máy chế biến nông - lâm sản xuất khẩu Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Mức thu nhập cán bộ anh em tăng lên, năm sau cao hơn năm trước,  trung bình 6-9 triệu/người/tháng".

Theo tính toán, mỗi năm, Nhà máy chế biến nông - lâm sản xuất khẩu Như Xuân đã chế biến được từ 23 - 25 ngàn tấn sắn và xuất khẩu được hơn 20 ngàn tấn tinh bột sắn, ước đạt trên 12 triệu USD.

Các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn hướng tới xuất khẩu- Ảnh 5.

Ông Lê Duy Tùng, Giám đốc Nhà máy chế biến nông - lâm sản xuất khẩu Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Duy Tùng, Giám đốc Nhà máy chế biến nông - lâm sản xuất khẩu Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hiện tại, với thương hiệu của Nhà máy, chúng tôi có 17 năm trên thị trường nước ngoài. Với chất lượng mẫu hàng cao nhất, tốt nhất, nhà máy có kiểm định sản phẩm, phục vụ cho sản xuất thuốc tây, thức ăn, thực phẩm. 85% sản phẩm của Nhà máy đã xuất khẩu đi Trung Quốc còn 15% tiêu thụ trong nước. Thời gian tới, đơn vị sẽ bổ sung thêm những đơn vị đối tác khác như: Thái Lan, Dubai,,,".

Niên vụ 2023 - 2024, toàn tỉnh hiện trồng được gần 12.400 ha sắn. Trong đó, vùng nguyên liệu sắn phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn là trên 10 ngàn ha. Diện tích sắn tập trung tại các huyện Ngọc Lặc, Như Xuân, Bá Thước, Thường Xuân, Như Thanh, Thọ Xuân… Sản lượng sắn của Thanh Hóa chủ yếu cung cấp cho 5 Nhà máy và cơ sở chế biến tinh bột sắn là: Nhà máy chế biến tinh bột sắn Bá Thước (huyện Bá Thước); Nhà máy chế biến nông – lâm sản xuất khẩu Như Xuân (huyện Như Xuân); Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phúc Thịnh; Cơ sở chế biến tinh bột sắn Sơn Dung (huyện Ngọc Lặc); Cơ sở chế biến tinh bột sắn tại xã Thanh Tân (huyện Như Thanh. Những năm gần đây, các nhà máy sản xuất tinh bột sắn của Thanh Hóa đều đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đơn hàng, và hướng tới xuất khẩu. Năm 2023, các nhà máy sản xuất tinh bột sắn trên địa bàn Thanh Hóa xuất khẩu được khoảng 50 ngàn tấn tinh bột, giá trị tương đương trên 27 triệu USD. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các Nhà máy tinh bột sắn Thanh Hóa.

Các doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn hướng tới xuất khẩu- Ảnh 6.

Bước sang năm 2024, các nhà máy, cơ sở chế biến tinh bột sắn Thanh Hóa đang nỗ lực, tiếp tục hiện đại hóa sản xuất, cung cấp thêm nhiều sản phẩm cho thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần nâng tầm thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.

Nguồn: Bản tin Doanh nghiệp doanh nhân ngày 14/01/2024