Các đơn vị thuỷ lợi tập trung ứng phó với xâm nhập mặn

08:32 - 27/04/2024

Theo báo cáo từ ngành Nông nghiệp Thanh Hoá, từ đầu năm 2024 đến nay, lượng mưa đã thiếu hụt hơn so với cùng kỳ năm 2023 từ 7 đến 10%, lượng nước trên các sông chính cũng xuống thấp, khiến cho tình trạng xâm nhập mặn xuất hiện tại nhiều địa phương. Để hạn chế những ảnh hưởng từ xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, nhiều giải pháp đã được các đơn vị thuỷ lợi tập trung triển khai.

Từ đầu tháng 1/2024 đến nay, tại huyện Hậu Lộc và Nga Sơn đã có 5 trong số 15 trạm bơm tưới xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn. 

Các đơn vị thuỷ lợi tập trung ứng phó với xâm nhập mặn- Ảnh 1.

Một số trạm bơm và cống dẫn nước độ mặn đã lên đến 12 phần nghìn, chỉ hoạt động được từ 6 đến 8 tiếng trong ngày.

Các đơn vị thuỷ lợi tập trung ứng phó với xâm nhập mặn- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thành Chinh, Giám đốc Chi nhánh thuỷ lợi Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá

Ông Nguyễn Thành Chinh, Giám đốc Chi nhánh thuỷ lợi Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Do độ mặn xuất hiện sớm và lên cao nên để đảm bảo cấp nước cho lúa chiêm xuân phát triển, chúng tôi đã tiến hành tu sửa máy móc, chủ động trữ nước và tăng cường tuyên truyền để hạn chế tối đa sự thất thoát nước".

Rút kinh nghiệm từ những đợt hạn mặn của các năm trước, khi mùa khô đến, ngành nông nghiệp Thanh Hoá đã chỉ đạo các đơn vị thuỷ lợi và các địa phương tăng cường rà soát lại những vùng có khả năng mặn xâm nhập cao và có thể xảy ra hạn hán để duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi; lưu ý giải pháp cấp nước để đảm bảo cho 114 nghìn ha lúa đang bước vào giai đoạn trỗ bông. 

Các đơn vị thuỷ lợi tập trung ứng phó với xâm nhập mặn- Ảnh 3.

Các địa phương cũng tập trung rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế sử dụng nước.

Các đơn vị thuỷ lợi tập trung ứng phó với xâm nhập mặn- Ảnh 4.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty thuỷ lợi Bắc Sông Mã, tỉnh Thanh Hoá

Ông Lê Trí Dũng, Cán bộ kỹ thuật Chi nhánh thuỷ lợi Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá: "Diễn biến hạn mặn sẽ phức tạp do đó chúng tôi đa tăng cường quân số trực, tập trung dẫn nước khi thuỷ triều lên, có thời điểm phải chạy máy bơm 20 tiếng trong ngày".

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty thuỷ lợi Bắc Sông Mã, tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Đối với các vùng dễ bị xâm nhập mặn ở các cống lấy nước lớn, chúng tôi tăng cường theo dõi để đóng cửa cống đúng thời điểm, đẩy mạnh công tác trục vớt bèo rác vật cản để kênh dẫn được nhanh và hiệu quả".

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước tại Thanh Hoá, đặc biệt là vào các tháng nắng nóng sắp tới sẽ gia tăng trên diện rộng. 

Các đơn vị thuỷ lợi tập trung ứng phó với xâm nhập mặn- Ảnh 5.

Do vậy, ngoài chủ động thau chua, rửa mặn, thực hiện chỉ đạo của ngành Nông nghiệp, các đơn vị thuỷ nông đã mua sắm dự trữ đường ống nối và máy bơm dã chiến để bơm truyền đến những điểm xa kênh dẫn, nhằm đáp ứng đủ nguồn nước cho sản xuất và hạn chế tối đa tác động từ hạn hán, xâm nhập mặn.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 27/4