Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng giá trị sản xuất trong nông nghiệp

22:50 - 08/12/2022

Để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, hình thành các vùng sản xuất tập trung, Thanh Hóa đã đẩy mạnh tích tụ đất đai, chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả thấp sang cây trồng có giá trị cao hơn. Đây cũng là điều kiện để các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên, lao động, thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp.

Hiện nay, huyện Như Xuân đã chuyển đổi được trên 1.300 ha trồng sắn và một số cây trồng giá trị thấp sang trồng cây ăn quả, trong đó có trên 400 ha tập trung. Mỗi ha cây ăn quả có múi cho giá trị thu nhập từ 600-800 triệu đồng/1 năm. Với các loại cây ăn quả khác như ổi, xoài, thanh long, giá trị thu nhập cũng đạt khoảng 300 triệu đồng 1 ha/năm. Từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Như Xuân đã từng bước hình thành được vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại các xã dọc đường Hồ Chí Minh như Xuân Hòa, Xuân Bình, Bãi Trành, trình độ thâm canh của người dân được nâng cao.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng giá trị sản xuất trong nông nghiệp - Ảnh 2.

Ông Lê Tiến Đạt - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Tiến Đạt - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, huyện đã tích cực kêu gọi thu hút đầu tư, doanh nghiệp liên kết với dân để chuyển đổi cây trồng, nhờ quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhận thức tư duy của bà con được nâng lên, chú trọng sản xuất, áp  dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất

Từ năm 2020 đến nay, Thanh Hóa đã tích tụ tập trung được  trên 16.200 ha đất nông nghiệp đồng thời chuyển đổi linh hoạt trên 11.000 ha đất lúa, gần 10.000 nghìn ha đất trồng mía, sắn, cao su sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn; đẩy mạnh cải tạo vườn tạp liền kề thành những vùng sản xuất tập trung, mở rộng và phát triển các vùng sản xuất quy mô lớn và nâng cao hiệu quả kinh tế theo đúng định hướng. Trên lĩnh vực lâm nghiệp, toàn tỉnh hiện có trên 21.800 ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC. Các loại giống mới, có năng suất cao, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tiếp tục được đưa vào trồng rừng thay thế các loại giống có năng suất, chất lượng thấp; chuyển mạnh từ giống bằng hạt sang giống nuôi cấy mô. Riêng trong năm 2022, diện tích rừng trồng mới tập trung sử dụng giống keo nuôi cấy mô chiếm trên 34%. Nhờ vậy, sản lượng gỗ khai thác hàng năm tăng mạnh, giá trị kinh tế cũng cao hơn. Năm 2022, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 860.000 m3, tăng hơn 160.000 m3 so với năm 2019.

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng giá trị sản xuất trong nông nghiệp - Ảnh 3.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng của Thanh Hóa vẫn còn chậm, nhất là các huyện trung du, miền núi. Qua rà soát, toàn tỉnh còn trên 44.800 ha đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm, gần 53.000 ha đất sản xuất lâm nghiệp có thể thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Vai trò của quản lý nhà nước trong quy hoạch, dự báo xúc tiến thị trường, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp chậm, việc liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người dân còn thiếu ổn định…là những tồn tại cơ bản làm chậm quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp tại Thanh Hóa.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV