Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

22:30 - 18/04/2024

18/4 là Ngày Người khuyết tật Việt Nam, đây là dịp để các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động vì người khuyết tật với mục đích khuyến khích sự tham gia của người khuyết tật vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm nâng cao chất lượng sống và đảm bảo sự hòa nhập - bình đẳng cho cộng đồng người khuyết tật. Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ cũng đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật về người khuyết tật khá toàn diện, đầy đủ, đảm bảo mọi quyền và lợi ích về mọi mặt cho người khuyết tật, trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý.

Em Đào Thị Quỳnh Anh, sinh năm 2010 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố em mất sớm, mẹ bỏ đi không rõ tung tích, bản thân em bị khuyết tật về tâm thần. Mọi sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày của em rất khó khăn. Thế nhưng, phần tài sản bố em để lại cho em lại bị người khác chiếm đoạt. 

Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý cho người  khuyết tật- Ảnh 1.

Nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý của người thân gia đình em Quỳnh Anh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa đã cử trợ giúp viên pháp lý tham gia giúp đỡ gia đình em hướng dẫn các thủ tục, tham gia thu thập thông tin, chứng cứ để bảo vệ quyền lợi cho em về mặt pháp luật. Vụ việc đang trong quá trình giải quyết.

Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý cho người  khuyết tật- Ảnh 2.

Bà Đào Thị Lan – Xã Hà Bình, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa

Bà Đào Thị Lan – Xã Hà Bình, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tôi là bà cô ruột của cháu Quỳnh Anh. Hiện nay bố cháu đã mất, mẹ bỏ đi 10 năm rồi, cháu thì không biết gì cả, khổ lắm. Vừa qua gia đình đã tìm hiểu và nhờ cơ quan trợ giúp về pháp lý cho cháu, rất mong quyền lợi của cháu được đảm bảo".

Cuối năm 2023, bà Phạm Thị Vây, 70 tuổi, người dân tộc Mường ở xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc bị tai nạn giao thông và bị mất một chân. Sau khi sự việc xảy ra, gia đình bà Vây đã tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, chi nhánh số 2 để được tư vấn, giúp đỡ. 

Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý cho người  khuyết tật- Ảnh 3.

Sự tham gia của trợ giúp viên pháp lý đã giúp gia đình bà giải quyết sự việc nhanh chóng, bà đã được bồi thường thỏa đáng. Đến nay, sức khỏe của bà Vây đã ổn định. Dưới sự động viên và giúp đỡ của con cháu, bà tục tham gia các hoạt động hội người cao tuổi, hội người khuyết tật và các hoạt động văn hóa trong thôn.

Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý cho người  khuyết tật- Ảnh 4.

Bà Phạm Thị Vây - Xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Bà Phạm Thị Vây - Xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Sau khi bị tai nạn gia đình tôi đã nhờ trợ giúp pháp lý giúp đỡ, các anh chị đã giúp rất nhiệt tình nên tôi đã được bồi thường theo mức gia đình yêu cầu. Tôi rất cảm ơn".

Để người khuyết tật có thêm thông tin và những hiểu biết về quyền được trợ giúp pháp lý, vừa qua Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn Luật trợ giúp pháp lý cho cán bộ, hội viên Hội người khuyết tật và Hội người cao tuổi. Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017, người khuyết tật có khó khăn về tài chính là một trong các đối tượng được trợ giúp pháp lý, được cung cấp các dịch vụ pháp lý miễn phí. 

Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý cho người  khuyết tật- Ảnh 5.

Việc thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được thực hiện thông qua các hình thức như: Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, truyền thông về trợ giúp pháp lý... Các hoạt động được lồng ghép nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Trong quá trình tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, người thực hiện trợ giúp pháp lý luôn đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp cho người khuyết tật.

Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý cho người  khuyết tật- Ảnh 6.

Ông Đặng Văn Đương, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa

Ông Đặng Văn Đương, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý, nâng cao trình độ chuyên môn cho trợ giúp viên, phối hợp có hiệu quả với các cơ quan tố tụng, các địa phương để thực hiện tốt quyền được trợ giúp pháp lý cho khuyết tật".

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 200 nghìn người khuyết tật, tuy nhiên, số lượng người khuyết tật biết đến quyền được trợ giúp pháp lý và được trợ giúp pháp lý chiếm tỷ lệ thấp, hoạt động tư vấn pháp lý cho người khuyết tật mới chỉ đạt khoảng 30% nhu cầu của cộng đồng người khuyết tật. 

Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý cho người  khuyết tật- Ảnh 7.

Đối với những người bị các dạng tật như câm, điếc, mù… chỉ sinh hoạt ở môi trường hạn hẹp, giao tiếp ở mức tối thiểu với người xung quanh nên khó khăn trong giao tiếp, thu thập thông tin giúp đỡ cho họ tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý. Do vậy, các địa phương và các ngành chức năng cần tăng cường các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật.

Nguồn: Nhà nước và pháp luật 18/04/2024