Dấu hiệu cần đến cơ sở y tế khi ngộ độc thực phẩm

08:18 - 22/11/2022

Từ vụ việc hơn 600 học sinh Trường Ischool Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện, một trường hợp đã tử vong, các chuyên gia y tế khuyến cáo ngộ độc thực phẩm có thể nhẹ, tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên có trường hợp phải đến bệnh viện điều trị, nếu không sẽ nguy kịch đến mức gây tử vong. Vì vậy, các bậc phụ huynh cũng cần chủ động phòng ngộ độc thực phẩm cho trẻ.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu sau sau khi sử dụng thực phẩm:

Trẻ có dấu hiệu ói mửa nhiều, buồn nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng dữ dội và không thể ăn hay uống bất cứ thứ gì. Sốt hơn 38 độ C, chất nôn hoặc phân có máu. Trẻ có dấu hiệu của mất nước như: khát quá mức, khô miệng, ít hoặc không đi tiểu, suy nhược nghiêm trọng, chóng mặt hoặc choáng váng; có các triệu chứng thần kinh như nhìn mờ, yếu cơ và ngứa ran ở cánh tay; các dấu hiệu và triệu chứng có thể bắt đầu biểu hiện trong vòng vài giờ hoặc vài ngày hoặc kéo dài đến vài ngày, thì gia đình cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Dấu hiệu cần đến cơ sở y tế khi ngộ độc thực phẩm - Ảnh 2.

Tại nhà, phụ huynh cũng cần chủ động phòng ngộ độc thực phẩm cho trẻ như người lớn và trẻ nhỏ cần thường xuyên rửa tay, dụng cụ và thực phẩm; rửa tay sạch trước và sau khi xử lý hoặc chế biến thực phẩm; rửa sạch đồ dùng, thớt và các bề mặt vật dụng khác mà bạn sử dụng; để thực phẩm sống tách biệt với thực phẩm ăn liền; uống nước đun sôi, ăn thực phẩm nấu chín; làm lạnh hoặc đông lạnh thực phẩm dễ hỏng trong vòng hai giờ sau khi mua hoặc chuẩn bị. Rã đông thực phẩm một cách an toàn: không rã đông thực phẩm ở nhiệt độ phòng, an toàn nhất là rã đông trong tủ lạnh. Đặc biệt, hãy thải bỏ thực phẩm đi khi nghi ngờ không an toàn. 


Nguồn: Bản tin THNM 22/11