Đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

19:59 - 25/05/2023

Tiếp tục Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 25/5, các Đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại tổ đối với 8 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; công tác thực hành tiết kiệm - chống lãng phí; phân bổ đầu tư công và các nội dung về nông nghiệp, giao thông. Tổ 18 gồm các đoàn Thanh Hóa, Tiền Giang, Kon Tum. Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa chủ trì tại buổi thảo luận.

Đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và cho rằng, những tháng đầu năm 2023 tuy gặp nhiều thách thức nhưng Chính phủ đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp trong chỉ đạo điều hành giúp cho kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ổn định. Cho ý kiến cụ thể vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Cao Thị Xuân cho rằng cần phải cân nhắc vì việc đầu tư quá nhiều hạng mục sẽ khiến các chương trình bị loãng và khó hiệu quả.

Các đại biểu cũng cho rằng, đối với chương trình xây dựng Nông thôn mới cần có đánh giá lại bởi thực tế, nhiều nơi đạt nhưng mức độ bền vững chưa cao. Ngoài ra, hiện vẫn còn chậm trễ trong việc lập quy hoạch và việc thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng này tính khả thi chưa cao.

Đề xuất nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 3.

Kết luận thảo luận tại tổ, đại biểu Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Dù còn nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh chung của trong nước và tình hình thế giới, nhưng Việt Nam đã có nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn chung. Tuy nhiên, tình trạng tăng trưởng âm ở các địa phương là thực tế. Ngoài ra, giá trị sản xuất giảm, đầu tư công còn nhiều hạn chế. Đây là những điểm mấu chốt cần tháo gỡ trong thời gian tới. Ngoài ra, đại biểu Lại Thế Nguyên cũng cho rằng tình trạng đùn đẩy công việc, né tránh trách nhiệm đang tồn tại ở một số cấp, ngành, cơ quan, đơn vị. Sự chồng chéo, mâu thuẫn của luật, văn bản pháp luật cần được tháo gỡ.


Đại biểu Lại Thế Nguyên cũng cho rằng, cần phải tháo gỡ sự chồng chéo, mâu thuẫn của luật, văn bản pháp luật, đồng thời đề xuất Chính phủ cần tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm để tìm ra những lỗ hổng, vướng mắc, chậm trễ trong ban hành văn bản điều hành. Thực tế, những vấn đề này cũng góp phần làm ảnh hưởng chung tới sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối/TTV