Di tích xứ Thanh trong dòng chảy văn hóa

19:49 - 11/02/2024

Thanh Hóa là vùng đất đậm đặc di sản, di tích và thắng cảnh, đa dạng về thể loại, giầu giá trị và được phân bố khắp các vùng miền trong tỉnh. Xác định đây là nguồn lực quan trọng phục vụ đời sống con người và phát triển kinh tế xã hội, những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm sâu sát đến công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích, di sản, gắn với phát triển ngành du lịch.

Phủ Na được xây dựng năm 1909 theo kiến trúc thời Nguyễn, nằm ở chân dãy núi Nưa, thuộc địa bàn xã Xuân Du, huyện Như Thanh, là nơi thờ nhiều vị thánh, nhưng nổi bật nhất là Bà Triệu, mẫu Thượng Ngàn, công chúa Liễu Hạnh. Trải qua thời gian năm tháng, nhiều hạng mục của công trình bị xuống cấp. 

Di tích xứ Thanh trong dòng chảy văn hóa- Ảnh 1.

Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn động phủ nằm ở chân dãy núi Nưa thuộc xã Xuân Du, huyện Như Thanh, Thanh Hóa

Năm 2019, di tích được đầu tư trùng tu, tôn tạo với kinh phí 17 tỷ đồng. Sau hơn 4 năm, đến nay, dự án đã hoàn thành 1 số hạng mục quan trọng như cổng tam quan, đền Mẫu, giúp di tích này có được diện mạo mới khang trang, bề thế, khắc phục tình trạng xuống cấp, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân và thu hút đông đảo du khách gần xa về chiêm bái, vãn cảnh, nhất là trong mùa lễ hội diễn ra trong suốt tháng 1 và tháng 2 âm lịch hàng năm. 

Di tích xứ Thanh trong dòng chảy văn hóa- Ảnh 2.

Ông Bùi Đức Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa

Ông Bùi Đức Chính,  Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trước đây khi chưa được trùng tu thì lượng khách đến với Phủ Na tương đối ít. Từ khi được sự quan tâm của Sở Văn hóa, phòng văn hóa của huyện thì du khách thập phương tới rất đông".

Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Thanh Hóa có 854 di tích đã được xếp hạng các cấp, bao gồm 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 139 di tích cấp quốc gia và 709 di tích cấp tỉnh. Nhưng năm qua, tỉnh luôn quan tâm, ưu tiên bố trí kinh phí trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích; nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, di tích gắn với phát triển du lịch. 

Di tích xứ Thanh trong dòng chảy văn hóa- Ảnh 3.

Chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 40 dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích được phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng nguồn vốn hơn 341 tỷ đồng. Trong năm 2023, toàn tỉnh có thêm 05 di tích cấp tỉnh được công nhận, có 07 di sản văn hóa được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. 

Di tích xứ Thanh trong dòng chảy văn hóa- Ảnh 4.

Bà Bùi Ánh Tuyết, Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh

Bà Bùi Ánh Tuyết, Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh cho biết thêm: "Trong nhiều năm qua được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, nhà nước, của tình Thanh Hóa, đặc biệt là của ngành văn hóa, thể thao, du lịch thì Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã được trùng tu tôn tạo nhiều hạng mục công trình, cán bộ, viên chức, người lao động trong Ban sẽ cố gắng để phát huy hết tiềm năng giá trị của di tích".

Di tích là vốn quý, nơi lưu giữ một phần lịch sử, văn hóa của đất nước, quê hương; nơi lưu dấu những câu chuyện về quá trình dựng nước, giữ nước ngàn năm của dân tộc. 

Ông Phạm Nguyên Hồng Giám đốc sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Thanh Hóa

Bởi vậy, gìn giữ, phát huy giá trị của di tích là nghĩa vụ, trách nhiệm của thế hệ hôm nay, qua đó, thể hiện sự trân trọng đối với lịch sử, lòng biết ơn với các thế hệ tiền nhân; từ đó, tiếp tục phát huy giá trị của di tích, để những công trình này mãi trường tồn trong dòng chảy văn hóa của dân tộc, và trong tâm thức của các thế hệ người dân.

Nguồn: Bản tin Thời sự tối 11/2