Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, chăm lo đời sống cho người lao động

09:26 - 19/12/2022

Người lao động đóng vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Chính vì vậy, năm 2022, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn nỗ lực duy trì việc làm và đảm bảo các chế độ tiền lương, thưởng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Qua đó vừa động viên họ yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, vừa giúp tăng năng suất, hiệu quả công việc, tạo động lực phát triển doanh nghiệp bền vững.

Trong lúc nhiều công nhân ngành dệt may đang phải giảm giờ làm, thậm chí tạm nghỉ vì doanh nghiệp thiếu đơn hàng thì chị Hiền cũng như các công nhân trong Công ty TNHH 888 cảm thấy rất may mắn bởi thời điểm này, vẫn có đủ việc làm và thu nhập ổn định. Không khí làm việc những ngày cuối năm càng tất bật, phấn khởi hơn bởi năm nay, dù đơn hàng cuối năm có giảm, công ty vẫn xây dựng kế hoạch thưởng Tết với mức lương thưởng tháng thứ 13 cho người lao động.

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, chăm lo đời sống cho người lao động - Ảnh 2.

Chị Lê Thị Hiền, Công nhân công ty TNHH 888, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ rằng chị đã gắn bó 10 năm với công ty, lương ổn định, thu nhập năm sau cao hơn năm trước, bình quân năm 2022 lương 7 đến 8 triệu. Lễ tết công ty hỗ trợ tháng 13, đó là sự động viên rất lớn cho tôi và các công nhân trong xưởng.

Tình hình lạm phát tại các thị trường lớn đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn. Lượng đơn hàng sụt giảm cuối năm nay và có thể còn kéo dài đến nửa đầu năm sau. Trong bối cảnh Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đang tới gần, nhiều doanh nghiệp dệt may đang bố trí lại lực lượng lao động, cũng như nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới với mong muốn đảm bảo việc làm, nguồn thu nhập cho người lao động dịp cuối năm.

Ông Lê Văn Bắc, Giám đốc điều hành Công ty TNHH 888, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Công ty đã lo đủ việc làm, trước tết và sau Tết đến hết quý 1 và các thị trường khai thác cho quý 2 đang chào hàng và đưa hàng về công ty. Bên cạnh đảm bảo việc làm cho người lao động, chúng tôi cũng luôn đảm bảo tất cả chính sách cho người lao động tốt nhất. Công ty chúng tôi là của người lao động và vì người lao động".

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, chăm lo đời sống cho người lao động - Ảnh 3.

Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 21 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Vượt qua những khó khăn, thách thức, năm 2022 hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo tiền lương, thưởng và các chế độ phúc lợi cho người lao động.

Theo khảo sát của Liên đoàn lao động tỉnh, tiền lương bình quân năm 2022 của khối doanh nghiệp nhà nước đạt 5.600.000đ/người/tháng; khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6.379.000đ/người/tháng và khối doanh nghiệp dân doanh 5.500.000đ/người/tháng. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp cũng đã xây dựng kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản phúc lợi và có những phần quà Tết nhằm chăm lo, chia sẻ với công nhân, đồng thời đây cũng là giải pháp để giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Bà Vũ Thị Ngọc Anh, Giám đốc công ty cổ phần thiết bị giáo dục Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đã xây dựng quyền lợi chế độ Tết cho người lao động làm sao đến thời điểm Tết vẫn có việc làm, cũng như lo cho anh em 1 tháng lương và những quà Tết nhất định để mọi người hưởng một cái Tết hạnh phúc".

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, chăm lo đời sống cho người lao động - Ảnh 4.

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty xi măng Long Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Tiến Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty xi măng Long Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Trong năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn Công ty xi măng Long Sơn đã cố gắng tìm đầu ra cho mình, phát triển nội địa và xuất khẩu để đảm bảo sản xuất, đảm bảo lương thưởng, cuộc sống cán bộ nhân viên. Đối với công ty xác định con người là nhân tố quyết định trong sản xuất kinh doanh. Hiện nay chúng tôi cũng đang xây dựng chế độ thưởng Tết, cố gắng làm sao đảm bảo quyền lợi cho cán bộ nhân viên".

Mặc dù các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì sản xuất, giữ việc làm, thu nhập cho người lao động. Nhưng trên thực tế, do những khó khăn từ thị trường, đến nay vẫn có khoảng 25 doanh nghiệp phải giảm giờ làm, giảm lao động từ 100 người trở lên, với tổng số khoảng 7000 công nhân bị ảnh hưởng giảm thu nhập. Nhiều doanh nghiệp cho biết, mức thưởng Tết năm nay chắc chắn sẽ giảm hơn so với năm ngoái. Tâm lý chung của người lao động lúc này là mong ngóng thưởng Tết nhưng không ít người lao động cũng đã sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, vì ở thời điểm hiện nay, điều người lao động cần nhất là có việc làm, thu nhập đều đặn hằng tháng. 


Nguồn: Bản tin THNM/TTV