Độc đáo cây di sản ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh

08:34 - 07/10/2023

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh không chỉ mang giá trị to lớn về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật mà nơi đây còn lưu giữ hệ sinh thái rừng phong phú và độc đáo, trong đó có tới 18 cây cổ thụ được Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Hệ sinh thái rừng phong phú với nhiều cây di sản độc đáo đang thu hút đông đảo du khách đến thăm quan.

Nằm bên cạnh Nghinh môn của Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh từng có một cây đa sống cộng sinh với cây thị suốt gần 300 năm. Sau này khi cây thị cổ thụ chết, một cây thị non mọc lên trong lòng cây đa cổ thụ như một điềm báo linh thiêng và tốt lành về sức sống mới đang hồi sinh trên vùng đất cổ Lam Kinh. 

Độc đáo cây di sản ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - Ảnh 2.

Cây đa - thị tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh

Với nhiều giá trị về mặt niên đại, cảnh quan, lịch sử và văn hóa tâm linh, năm 2013 cây đa - thị được vinh danh là Cây Di sản Việt Nam.

Độc đáo cây di sản ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - Ảnh 3.

Bà Trình Thị Luận - Phụ trách phòng nghiệp vụ, Ban quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Bà Trình Thị Luận - Phụ trách phòng nghiệp vụ, Ban quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Cây đa ôm cây thị đã tồn tại 300 năm như một sụ tiếp nối của dòng chảy lịch sử trên vùng đất cổ Lam Kinh. Năm 2013 cây đa - thị được công nhận là cây di sản, sau này cây thị cỗi chết đi có một cây thị con xanh tốt mọc lên. Cây di sản này là điểm nhấn trong rừng Lam Kinh thu hút đông du khách đến thăm".

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biêt Lam Kinh có tổng diện tích hơn 200ha, trong đó có trên 100ha rừng tự nhiên lâu đời. Theo khảo sát chưa đầy đủ, rừng Lam Kinh có khoảng 200 - 300 loài thực vật, trong đó có tới 80 loài gỗ quý như: lim, lát, dổi, de, vù hương và nhiều loài dược liệu quý. Đặc biệt, rừng Lam Kinh có 18 cây di sản gồm các loại: đa, lim, sấu, đại, xoài đất, dổi..vv, trong đó có 13 cây thuộc phạm vi di tích Lam Kinh và 5 cây thuộc phạm vi đền thờ Lê Lai. 

Độc đáo cây di sản ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - Ảnh 4.

Đây đều là những cây có tuổi đời trên 200 năm có giá trị về bảo tồn nguồn gien thực bản địa quý như cây lim, dổi. Ngoài ra những cây di sản này còn có hình dáng đặc sắc, độc đáo có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, mỹ quan gắn với sự tồn tại của kinh đô thờ tự cổ của nhà Hậu Lê cách đây hơn nửa thế kỷ.

Độc đáo cây di sản ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - Ảnh 5.

Chị Hoàng Thị Hiền - Thuyết minh viên Ban quản lý Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh

Chị Hoàng Thị Hiền - Thuyết minh viên Ban quản lý Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh chia sẻ: "Hệ thống cây di sản ở Lam Kinh có tuổi đời từ 300 - 400 năm, có những cây có tuổi đời đến 600 năm. Trong quá trình hướng dẫn du khách, du khách rất thích đến đây vì các cây di sản nằm cận các di tích. Du khách đến ôm vòng quanh các cây di sản và rất sảng khoái. Có lẽ đây cũng là điều thu hút du khách khi đến Lam Kinh".

Bà Trình Thị Luận - Phụ trách phòng nghiệp vụ, Ban quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học của rừng Lam Kinh nói chung, hệ thống cây di sản nói riêng, thời gian qua, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Lam Kinh đã thực hiện nhiều biện pháp như tăng cường chăm sóc, bảo vệ. Đồng thời, chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và tạo môi trường sinh trưởng ổn định cho các loài thực vật. Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong công tác bảo vệ rừng. Ngoài ra, chú trọng việc giới thiệu giá trị của các cây di sản đến với đông đảo du khách...".

Độc đáo cây di sản ở Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh - Ảnh 6.

Có thể nói, việc vinh danh cây di sản Việt Nam sẽ góp phần bảo tồn nguồn gen thực vật quý dưới tán rừng Lam Kinh, qua đó nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng. Từ đó góp phần xây dựng Lam Kinh thực sự trở thành điểm "di tích xanh" độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách đến thăm quan và thưởng ngoạn.

Nguồn: Bản tin THNM ngày 7/10