Du lịch Thanh Hóa phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19

07:58 - 04/10/2022

9 tháng năm 2022, vượt qua những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, ngành du lịch Thanh Hóa đã phục hồi, phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả ấn tượng. Trong 9 tháng du lịch Thanh Hóa đã đón lượng khách đạt 106,4% kế hoạch năm và cao nhất từ trước đến nay.

Sau gần 2 năm bệnh COVID-19, 9 tháng năm 2022, thành phố biển Sầm Sơn đã đạt được những con số kỷ lục là đón hơn 6,5 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 13.000 tỷ đồng, vượt 73% kế hoạch năm 2022. Đây là kết quả sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Sầm Sơn. Với quyết tâm trở thành "thành phố của lễ hội", khắc phục tính mùa vụ, cấp ủy, chính quyền thành phố đã phối hợp với các ngành, các cấp, các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức trên 20 sự kiện văn hóa, lễ hội, thể thao, du lịch, thu hút hàng triệu du khách và Nhân dân tham gia. Công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng được tăng cường, góp phần xây dựng hình ảnh đất và người Sầm Sơn văn minh, thân thiện, thu hút khách du lịch đến Sầm Sơn.

Du lịch Thanh Hóa phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Ông Oh Jang Won - Du khách đến từ Hàn Quốc cho biết: "Nơi đây có cảnh quan thiên nhiên rất là đẹp, khí hậu trong lành, con người thì thân thiện, mến khách. Tôi rất thích. Chắc chắn, tôi sẽ còn trở lại"

Cùng với các khu du lịch biển, các khu du lịch sinh thái cộng đồng ở các huyện miền núi, các khu du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, các điểm du lịch nghỉ dưỡng gắn với trải nghiệm hoạt động nông nghiệp...đều đón được lượng khách cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021. Trong 9 tháng, Thanh Hóa đón trên 10,3 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt trên 19.000 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt 106,4% kế hoạch năm 2022 và cao nhất từ trước đến nay.

Để có được những kết quả ấn tượng này, tháng 3/2022, ngay sau khi Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng triển khai đón và phục vụ khách theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19". Sau sự kiện mở đầu là lễ công bố Biểu trưng du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa, từ tháng 3 đến nay, các ngành, các địa phương  của Thanh Hóa đã tổ chức thành công trên 50 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch; đẩy mạnh hoạt động kích cầu du lịch tại địa phương, các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh, thành phố là thị trường trọng điểm về du lịch; tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch trên nền tảng số; thực hiện chiến dịch quảng bá "Thanh Hoá - Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn". 

Du lịch Thanh Hóa phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Ông Trần Đình Sơn Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, Hiệp hội đã tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch đồng thời phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức khảo sát, xúc tiến, kết nối du lịch.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã tập trung nguồn lực hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn với những tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp, nhằm nhanh chóng tạo sản phẩm du lịch cao cấp, có tính cạnh tranh khác biệt, nổi trội, thu hút khách trong nước và quốc tế. Bản thân các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng đã nỗ lực làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và phát triển thêm nhiều sản phẩm trong điều kiện "bình thường mới".

Du lịch Thanh Hóa phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 4.

Mặc dù vượt chỉ tiêu kế hoạch năm cả về số lượng khách du lịch và doanh thu, song số lượng khách quốc tế đến Thanh Hóa vẫn còn rất ít, mới chỉ đạt gần 110 nghìn lượt người, bằng 25% kế hoạch năm 2022; mức chi tiêu trung bình của mỗi du khách khi đến Thanh Hóa chỉ đạt khoảng trên 1,9 triệu đồng, thấp hơn nhiều tỉnh, thành khác. Những con số này phần nào phản ánh dịch vụ đi kèm, sản phẩm, dịch vụ lưu trú tại các khu, điểm du lịch chưa phong phú, hấp dẫn. Điều này đòi hỏi các địa phương phải tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch, nhất là các dự án đã khởi công để tạo sự chuyển biến về chất lượng và sản phẩm du lịch; đa dạng các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó, quan tâm hơn tới các thị trường quốc tế; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông trong kết nối du lịch liên vùng, liên miền.

Du lịch Thanh Hóa phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 5.

Trước mắt, từ nay đến cuối năm, các ngành, các địa phương cần tập trung quản lý, quảng bá các hoạt động du lịch gắn với lễ hội để đạt kết quả ở mức cao nhất về thu hút khách đến với Thanh Hóa; rà soát xây dựng nhiệm vụ, giải pháp kế hoạch phát triển du lịch cho năm 2023 sát với tình hình thực tế. 

Nguồn: Bản tin THNM ngày 04/10/2022